Điểm sàn thấp, ‘đẩy khó’ về phía thí sinh?

Thứ Ba, 28/07/2015, 21:14
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, mức điểm sàn 15 không gây khó khăn cho các trường top trên và các thí sinh đạt điểm từ 21 trở lên. Nhưng nhóm thí sinh được từ 20 điểm trở xuống sẽ nằm trong top có nguy cơ trượt ĐH cao…

Chiều 28/7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chính quy năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì đã họp thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.

Điểm sàn thấp sẽ tạo nguồn tuyển sinh dồi dào cho các trường nhưng lại tăng rủi ro cho các thí sinh.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2015 vào khoảng 400.000. Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển  bằng kết quả học tập ở THPT. Tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2015 là 15,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).

Với mức điểm này, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường ĐH.

Phân tích kỹ hơn về cơ sở để đưa ra mức điểm sàn năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Năm nay, số tổ hợp xét tuyển đa dạng. Có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển các trường sử dụng phổ biến nhất. Ngoài ra có hơn 50 tổ hợp xét tuyển khác sử dụng ở một vài trường, ngành nên nhiều thí sinh có thể được xét tuyển nhiều tổ hợp. Phần lớn thí sinh dự thi 4 môn, có thể tham gia xét tuyển nhiều tổ hợp; Có 198 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh, xét tuyển dựa vào kết quả học tập phổ thông.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D đều tăng so với năm ngoái. Các khối A, B, C có điểm trung bình từ 16-18 điểm; các khối khác dao động khoảng từ 13-15 điểm.Số lượng thí sinh thi đủ các môn theo các khối khác nhau: Khối D nhiều nhất, trên 500.000 do đây là các môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, khối A khoảng trên 300.000.

Thí sinh có thể căn cứ trên số liệu thống kê này để quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp. Các cơ sở giáo dục có thể căn cứ vào dữ liệu này và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để xác định ngưỡng điểm xét tuyển vào trường mình. “Mọi năm có 5 tổ hợp truyền thống, 5 điểm sàn, năm nay chỉ có một ngưỡng duy nhất sẽ tạo thuận lợi trong việc xét tuyển như thí sinh dễ nhớ, các trường dễ biết và xây dựng phương án xét tuyển” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện Bộ GD&ĐT không phân tích vùng miền, hệ thống hiện tổng thể. Vùng miền đã có chế độ ưu tiên khu vực. Các thí sinh ở khu vực khó khăn thì điểm thấp hơn nhưng sẽ có chế độ ưu tiên. Như mọi năm, đối với khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các trường không gặp khó khăn. Hệ dôi dư các trường tính vẫn có thể tuyển được.

Trao đổi với PV Báo CAND về mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT vừa công bố, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Điểm sàn năm nay tương đối thấp so với phổ điểm mà Bộ GD&ĐT công bố. Có thể đây là một giải pháp khá “an toàn” mà Bộ đưa ra để tạo nguồn tuyển sinh dồi dào cho các trường ĐH top giữa và cuối. Tuy vậy, việc thuận lợi và quá an toàn cho các trường sẽ đẩy “khó” về cho các thí sinh. Do vậy, các thí sinh cần tìm hiểu kỹ và cập nhật thông tin để tránh tình trạng “điểm cao vẫn trượt”.

TS Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng: Với phổ điểm cao, tương đối dàn đều năm nay mức sàn 15 là hơi thấp. Tuy nhiên, đây là mức có thể chấp nhận được để các trường top dưới, đặc biệt là những trường ĐH, CĐ mới ra đời, sẽ tuyển sinh được và nhu cầu học ĐH của hàng trăm ngàn thí sinh được đáp ứng.

“Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, mức điểm sàn 15 không gây khó khăn cho các trường top trên và các thí sinh đạt điểm từ 21 trở lên trong khâu tuyển sinh. Nhưng nhóm thí sinh được từ 20 điểm trở xuống sẽ nằm trong top có nguy cơ trượt ĐH cao nếu không tỉnh táo lựa chọn trường phù hợp” - ông Điền nhận định.

Huyền Thanh
.
.
.