“Dẹp” lạm thu trong trường học bằng cách nào?
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các Sở GD&ĐT địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản, quy định nhằm “siết” việc thu chi nhưng tình trạng lạm thu, thu sai quy định vẫn diễn ra tại một số trường học ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin về các khoản thu hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023-2024 của trường THCS Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Các phụ huynh cho rằng, nhà trường thu nhiều khoản trái quy định, khi tổng dự kiến chi trong năm học lên đến hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, thưởng cho các lớp nộp kế hoạch nhỏ vượt chỉ tiêu từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; tri ân các thầy, cô giáo ngày Tết Nguyên đán từ 45 đến 50 triệu đồng; kinh phí họp các trưởng ban các lớp, các trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kì 1, tổng kết năm học từ 12 đến 15 triệu đồng…
Trước phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết đang xác minh kiểm tra và sẽ sớm có báo cáo kết luận về vụ việc. Một sự việc khác cũng đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội mà phụ huynh phản ánh, đó là tình trạng lạm thu quỹ cha mẹ học sinh ở lớp 12 Văn, Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ. Cụ thể, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp yêu cầu mỗi phụ huynh học sinh phải đóng 4,5 triệu đồng/học kỳ. Sau khi nhận được phản ánh, chiều 23/9, Ban Giám hiệu Trường THPT Chu Văn An đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản thu này cho các phụ huynh học sinh đã đóng tiền.
Trước đó, vào đầu năm học mới, vụ việc lạm thu gây xôn xao dư luận xã hội đã xảy ra tại lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Theo bảng thu chi quỹ phụ huynh lớp 1 này, từ đầu năm học đến nay, quỹ phụ huynh lớp thu tổng cộng lên đến hơn 300 triệu đồng và phần chi là hơn 260 triệu đồng với 17 hạng mục.
Trong đó, khoản chi lớn nhất là ứng trước cho nhà thầu sửa chữa phòng học số tiền 150 triệu đồng bao gồm: chi thanh toán tiền sửa chữa phòng học; chi tiền sơn bàn ghế, lót gạch bên hông lớp học; chi trả chi phí xây dựng lớp cho bên thầu xây dựng và các chi phí khác. Sau khi sự việc được phản ánh, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hồng Hà đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh cho dừng lại việc thu chi của lớp 1/2; đồng thời đã họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại tình hình thu chi của lớp 1/2 cũng như các lớp trong trường.
Cũng trong tháng 9/2023, hình ảnh bảng thống kê 16 khoản thu đầu năm học được cho là của Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Chí Linh, Hải Dương cũng được phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội. Theo đó, có 16 hạng mục được liệt kê với tổng mức thu hơn 3,7 triệu đồng/học sinh. Tuy nhiên, trong số này có những khoản không nằm trong danh mục được thu theo quy định của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết số 8 của HĐND Hải Dương. Ngay khi nhận được phản ánh, Phòng GD&ĐT huyện Chí Linh đã yêu cầu Trường THCS Nguyễn Trãi trả lại cho phụ huynh những khoản thu thực hiện chưa đúng quy trình, quy định hiện hành…
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định rõ, việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng quy định và không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, Thông tư số 55 cũng quy định rõ các khoản tiền nhà trường được phép thu và không được phép thu của học sinh. Tuy vậy, việc lạm thu, thu sai quy định vẫn xảy ra ở một số lớp, một số trường và một số địa phương. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, các Sở GD&ĐT địa phương cần phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thu-chi để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức.
Cùng với đó, cố gắng xây dựng lộ trình tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục chuyện lạm thu. Đối với khối các trường đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Tuy nhiên, các trường đại học khi có những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý trực tiếp các nhà trường có chức năng thanh tra, kiểm tra việc này. Riêng với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường vi phạm.