Đề thi THPT quốc gia sẽ có 60% câu hỏi cơ bản
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia, bắt đầu từ ngày 30/6 và kết thúc vào ngày 4/7.
Ngày 23/6, trao đổi với báo chí, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD & ĐT) cho biết, sẽ có 27,8% học sinh dự thi chỉ để lấy mục đích xét tốt nghiệp THPT, 59% dự thi để vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét vào ĐH, CĐ, số còn lại là thí sinh tự do thi chỉ để xét vào ĐH, CĐ. Cho đến nay 38 cụm thi do ĐH chủ trì và cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì đều đã sẵn sàng.
- Xin ông cho biết cụ thể các địa phương, các cụm thi đã “sẵn sàng” như thế nào, bởi đây là kỳ thi mới, tính chất mới và tập trung cùng một lúc hơn 1 triệu thí sinh cùng dự thi?
Ông Mai Văn Trinh: Mặc dù lịch đăng ký dự thi theo quy chế kết thúc vào ngày 30/4, nhưng do đây là kỳ thi THPT quốc gia tổ chức năm đầu tiên nêu một số thí sinh tự do, đặc biệt là các em đăng ký dự thi vào khối ngành công an, quân đội không nhận được thông tin kịp thời. Chính vì thế để đảm bảo quyền lợi cho các em, Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo điều kiện cho những đối tượng này hoàn thiện hồ sơ cho đến hết ngày 24/6. Đây là việc làm mang tính chất nhân văn bởi có những em dự thi vào khối trường quân đội, công an có giới hạn độ tuổi. Nếu không dự thi năm nay thì có thể năm sau đã quá tuổi đăng ký.
Tuy việc làm này gây khó khăn cho các cụm thi nhưng cho đến nay mọi việc đã vào nề nếp ổn định. Đối với các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì thì các địa phương vào cuộc một cách quyết liệt. Gần như 100% các tỉnh đều có phương án và bằng nhiều cách khác nhau, từ các tổ chức xã hội, từ phụ huynh…để tổ chức việc đưa đón thí sinh đi thi ở các cụm thi tại tỉnh cho thuận lợi nhất.
Các tổ chức xã hội, đoàn thể, địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ thí sinh nhiều mặt hướng tới một kỳ thi thành công. |
- Khâu ra đề thi vốn được coi là khâu khó khăn, đòi hỏi nhiều trí lực nhất, đến thời điểm này đã được chuẩn bị ra sao? Một số địa phương sau khi tổ chức thi thử theo đề thi minh họa thì phản ánh đề thi khó. Vậy Bộ có tiếp thu gì cho việc ra đề thi THPT quốc gia?
Ông Mai Văn Trinh: Sau khi Bộ công bố đề thi minh họa thì Cục Khảo thí cũng đã có bộ phận tổng hợp phân tích các ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó để căn chỉnh một đề thi chính thức làm sao bảo đảm được mục tiêu của kỳ thi. Kỳ thi THPT quốc gia có hai mục đích nên đề thi có khoảng 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và khoảng 40% câu hỏi phân hóa nâng cao dần để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Chúng ta có thể hình dung như sau: Nếu bài thi tốt nghiệp năm 2014 chúng ta được 10 điểm thì năm nay nó tương xứng là 6 điểm ở kỳ thi THPT quốc gia. Ta có thể hiểu rằng, một học sinh năm ngoái dự thi tốt nghiệp đạt 5 điểm thì năm nay tương ứng là 3 điểm. Như vậy rất hợp lý về mặt khoa học, logic về mặt cấu trúc của đề thi.
- Dư luận vẫn băn khoăn về tính nghiêm túc ở hai loại cụm thi: cụm thi do địa phương chủ trì và cụm thi do Sở GD & ĐT chủ trì, vậy Bộ có giải pháp nào để kỳ thi nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi này, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Hiện tại công tác phối hợp giữa các trường ĐH và các trường THPT rất nhịp nhàng. Các trường ĐH cũng đã chủ động lập phương án, đặc biệt là huy động lực lượng giáo viên THPT, sinh viên năm cuối được tập huấn về coi thi, đặc biệt là công tác tổ chức chấm thi.
Năm nay, dựa trên số lượng thí sinh đăng ký, các trường ĐH đã tính toán hiệu suất làm việc của từng giáo viên tham gia chấm thi để tính toán được lượng giáo viên cần thiết huy động. Công tác chấm thi không phải là của trường ĐH nữa mà dưới sự chỉ đạo của Ban chấm thi địa phương. Nghĩa là trường ĐH và Sở ngồi với nhau, đề xuất để cử những giáo viên đủ năng lực, phẩm chất, trình độ để tham gia chấm thi.
Việc chấm thi sẽ kiểm tra kỹ hơn, phải chấm hai vòng độc độc, trong quá trình chấm có tổ chức chấm kiểm tra độc lập và sau này còn có cả việc chấm thẩm định. Công tác thanh tra sẽ được tiến hành vừa toàn diện, vừa trọng điểm.
- Xin cảm ơn ông!