Đầu tư thấp, nâng cao chất lượng giáo dục đại học bằng cách nào?

Thứ Ba, 18/10/2022, 16:36

Theo con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỉ, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỉ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Chiều 18/10, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội" với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số trường đại học...

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, giáo dục đại học đang có chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng kỳ vọng của xã hội, của Đảng, của Nhà nước, của mỗi một người dân, trong đó, điểm nhấn đầu tiên là hệ thống quy phạm pháp luật đang ngày càng hoàn thiện; Luật Giáo dục đại học được sửa đổi, giúp tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc.

Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên; phân hạng của giáo dục đại học Việt Nam tăng so với khu vực và thế giới, cho thấy chúng ta đang đi những bước chắc chắn. Một điểm nhấn nữa là sự đổi mới trong quản trị giáo dục đại học, chúng ta đã tháo gỡ để trả lại tự chủ đại học đúng ý nghĩa giá trị, giúp các trường đại học đang từng bước tự tin và lớn mạnh bằng tự chủ...

gd đh (nén).jpg -0
Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, bên cạnh những thành tựu thì giáo dục đại học Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Đó là giáo dục đại học phải làm sao đáp ứng kỳ vọng của xã hội và nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự biến động không đoán định được, giáo dục đại học phải nắm được yêu cầu của thế giới, của công nghệ, không chỉ phát triển về chất lượng mà còn phải tăng quy mô. Đây là thách thức lớn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục đại học phải cạnh tranh cả quốc tế. Tỷ lệ sinh viên đi học nước ngoài không ít. Nhiều ngành nghề gửi sinh viên đi học tiến sĩ nước ngoài, nhưng sinh viên trở về không nhiều. Đây là câu chuyện có thật, cơ sở giáo dục đại học phải cạnh tranh rất lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều trường đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa, đó là cơ hội nhưng cũng là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ để thích ứng trong khi nguồn lực có hạn. Các trường đại học muốn cạnh tranh nhưng về cơ sở vật chất, trường lớp, diện tích giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị... vẫn khó khăn. Đội ngũ giảng viên để tăng nhanh không dễ. Giảng viên trình độ tiến sĩ của chúng ta chỉ chiếm 30%, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Đây cũng là những thách thức lớn. 

gd đh.jpg -0
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (giữa) cho rằng, phát triển về chất lượng và tăng quy mô là một thách thức lớn của giáo dục đại học.

Theo con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỉ, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỉ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. 

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, nếu đầu tư từ ngân sách Nhà nước không thỏa đáng, không đúng tầm thì chúng ta không thể hy vọng giải quyết câu chuyện nâng cao chất lượng. Nhưng ở đây còn có câu chuyện khác. Khi chúng ta triển khai vấn đề tự chủ đại học, tiếp cận tự chủ về tài chính,  thì Nhà nước sẽ rút dần đầu tư. "Đây là cách tiếp cận mà tôi thấy phải xem lại. Chúng ta thực hiện tự chủ trong các trường đại học, phải hiểu là ngoài khoản đầu tư của Nhà nước, mà theo đánh giá chung thì hiện khoản đầu tư này đang rất thấp, phải trao cho các trường đại học một cơ chế tự chủ để họ thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội, để nâng đầu tư cho các trường, nhằm bù lại phần Nhà nước không lo được", bà Mai Hoa kiến nghị.

Chúng ta nói tự chủ phải tính đúng, tính đủ các khoản chi cho giáo dục, đào tạo. Bài toán hiện nay Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phải triển khai thực hiện đó là lộ trình tăng học phí. Chúng ta đã có lộ trình rồi, nhưng sau đại dịch COVID -19, thu nhập của người dân khó khăn, do đó đang phải tạm dừng tăng học phí. Vậy vấn đề an sinh xã hội, tự chủ của trường đại học sẽ được giải quyết như thế nào?

Một vấn đề lớn của giáo dục đại học là tỷ lệ người theo học đại học so với số lượng dân số của Việt Nam hiện nay còn thấp, đã ảnh hưởng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, tới sự phát triển của xã hội. Về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ lí giải, do sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ giảm sút, sinh viên vào các trường đại học bây giờ không thấy háo hức như trước, điều này làm giảm động lực học tập của sinh viên. Cùng với đó là do mức lương khi các em sinh viên tốt nghiệp ra trường được trả quá thấp. Ví dụ như ngành giáo dục mầm non vẫn chỉ trả lương trung cấp, như vậy thì làm sao có thể có cơ cấu giáo dục mầm non tốt?

gd đh 1.jpg -0
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, những vướng mắc của giáo dục đại học sẽ được tháo gỡ nếu hệ thống văn bản pháp luật được xây dựng đồng bộ.

GS.TSKH Đặng Ứng Vận còn cho rằng, sức tiêu thụ các sản phẩm giáo dục đại học theo đúng nghĩa của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không cao. Với những ngành công nghiệp cao cấp hơn, chúng ta chưa có các doanh nghiệp mang tính quyết định nền kinh tế như Samsung, Apple... mà chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một vấn đề nữa đối với các trường đại học hiện nay là khi có ngành nghề dễ được tuyển dụng thì các trường sẽ “ào ào” mở các lớp, nhưng vì chúng ta chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên lượng nhân sự cần thiết không lớn, chỉ cần đào tạo một, hai năm là ngành đó không tuyển sinh được nữa, các trường rơi vào bão hòa do nền kinh tế chưa tiêu thụ hết các sản phẩm đào tạo có lượng đầu ra lớn như vậy.

Để gỡ các “nút thắt” và những vướng mắc của giáo dục đại học, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, yêu cầu trước hết phải từ hệ thống pháp luật. Giáo dục đại học có luật chuyên ngành, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học lại bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sắp tới đây là Luật Đất đai (sửa đổi) và vẫn còn nhiều quy định vướng mắc. “Chúng tôi cũng kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi được lấy ý kiến các luật liên quan thì phải nghiên cứu rất kỹ, phải xác định đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học", bà Mai Hoa chia sẻ.

Thu Phương
.
.
.