Đào tạo Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống tại Việt Nam

Thứ Sáu, 12/12/2014, 15:24
Sáng 12/12, lần đầu tiên tại Việt Nam, Khoa Quản trị kinh doanh- Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức khai giảng khóa 1 chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống.

Thượng tướng-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cùng nhiều cán bộ, giảng viên Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Queensland (Úc) tham dự lễ khai giảng.

Học viên sẽ được học 10 học phần bắt buộc, 3 học phần lựa chọn và nhiều chuyên đề cập nhật về an ninh phi truyền thống.

PGS-TS Hoàng Đình Phi, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, cho biết người đầu tiên đưa ra ý tưởng về chương trình đào tạo này là Thượng tướng-TS Nguyễn Văn Hưởng. Từ ý tưởng này, một chương trình đào tạo đã được nhóm các chuyên gia, nhà giáo gồm Thượng tướng-TS Nguyễn Văn Hưởng, GS-TS Mai Trọng Nhuận; GS-TSKH Vũ Minh Giang, PGS-TS Hoàng Đình Phi xây dựng. Ngày 14/1/2014, chương trình được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ký quyết định ban hành và cho phép tuyển sinh từ năm 2014.

Đây là chương trình đạo tạo hoàn toàn mới, có tính liên ngành cao, được đào tạo chính quy, giầu thực tiễn, có sự hợp tác quốc tế.

Tham gia giảng dạy, ngoài giảng viên là các giáo sư- tiến sĩ của Đại học QGHN, Đại học Queenland, Đại học San Diego (Mỹ); Đại học Nanyang (Singapore) còn có Thượng tướng-TS Nguyễn Văn Hưởng; Thượng tướng-TS Bùi Văn Nam-Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng-Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tá, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm Học viện Cảnh sát nhân dân.  

Chương trình gồm 10 học phần bắt buộc, 3 học phần lựa chọn và nhiều chuyên đề cập nhật về an ninh phi truyền thống; thời gian học từ 18 đến 24 tháng vào các ngày thứ 7, Chủ nhật; bằng tốt nghiệp do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp.

Điều kiện tuyển sinh chương trình này là những người có ít nhất 1 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực liên quan đến các hoạt động quản lý nhà nước, hành chính, an ninh, kinh tế- xã hội, kinh doanh, ngoại giao, hoặc các hoạt động liên quan tới an ninh phi truyền thống. Hình thức thi tuyển theo phương thức của ĐHQGHN gồm: đánh giá năng lực theo dạng thức GRE (tiếng Việt); Môn thi theo chuyên ngành; tiếng Anh theo quy định.

Nguyễn Thiêm
.
.
.