Đại học KD&CN lý giải 2 mã ngành đang 'gây bão' dư luận
Nhà trường xin mở ngành trước khi Bộ GD&ĐT ngừng cấp phép
Tại buổi họp báo, GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH KD&CN Hà Nội cho biết: Tên trường là đại học KD&CN song nhà trường đào tạo trên 20 mã ngành khác nhau, trong đó có cả các ngành xã hội như cử nhân tiếng Anh, tiếng Nga... Điều này cho thấy, tên trường chỉ phản ánh những lĩnh vực chủ yếu, chứ không bao gồm tất cả các ngành đào tạo. Do đó, nhà trường sẽ đào tạo bất cứ ngành học nào mà đất nước cần.
Trong khi đó, ngành Y, Dược là một trong những ngành đòi hỏi trình độ công nghệ cao nhất nên nói trường đại học KD&CN là “ngoại đạo” trong lĩnh vực này là không chính xác.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Liên quan đến vấn đề khiến dư luận quan tâm là tại sao đại học KD&CN được đào tạo Y, Dược, trong khi năm 2014, Bộ GD&ĐT tạm dừng cấp phép cho ngành học này, GS Phương cho rằng, điều này không có gì bất thường. Lý do là từ tháng 6-2012, nhà trường đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho mở ngành Y đa khoa, Dược học.
Đến tháng 12-2014, Bộ GD&ĐT mới có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Điều này đồng nghĩa với việc, trường đặt vấn đề xin mở ngành trước đó hơn 2 năm, chứ không phải có quy định tạm dừng của Bộ GD&ĐT mới đề xuất.
Băn khoăn về chất lượng đào tạo
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Y tế, đào tạo ngành Y, Dược không chỉ trường công lập mới làm được. Việc xã hội hóa ngành học này với sự tham gia của các trường ngoài công lập không có gì bất thường.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, trong những năm qua, tại khu vực miền Nam và miền Trung đã có một số trường đại học ngoài công lập đã được Bộ GD&ĐT cấp phép cho đào tạo các ngành này. Tuy nhiên, do đặc thù của Y, Dược là ngành học liên quan đến tính mạng con người, quy trình đào tạo phức tạp, không đơn giản nên việc cấp phép cũng cần phải vô cùng thận trọng.
GS Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên cán bộ giảng dạy tại trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Thực tiễn cho thấy, để mở được mã ngành đào tạo Y khoa cần những điều kiện vô cùng chặt chẽ. Thứ nhất, đó là năng lực chuyên môn của người thầy.
Phòng thực hành hiện đại của trường ĐH KD&CN tại Từ Sơn, Bắc Ninh |
Thứ hai là trang thiết bị, giảng đường, cơ sở thực hành, số bệnh nhân phải đủ đáp ứng để sinh viên thực hành. Với các trường công lập, hiện chịu sự quản lí của Bộ Y tế việc thực hành tại các bệnh viện của sinh viên còn khả thi. Nhưng với các trường ngoài công lập đây là bài toán không dễ.
TS Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng trường ĐH Y Vinh (Nghệ An) cũng băn khoăn khi cho rằng: Hiện cán bộ giảng viên của trường ĐH KD&CN Hà Nội chủ yếu là người đã nghỉ hưu, tuy họ đều là những người có nhiều kinh nghiệm nhưng liệu có đảm bảo sự ràng buộc với nhà trường? Trong khi đó, đào tạo ngành Y, Dược rất khắt khe và nghiêm ngặt, nếu đào tạo không đảm bảo chất lượng, sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn.
PGS, TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: Việc dư luận những ngày qua lo lắng về chất lượng đào tạo ngành Y, Dược khi cấp phép cho các trường ngoài công lập là hoàn toàn dễ hiểu. Dù chất lượng đào tạo ở các cơ sở ngoài công lập có thể sẽ không cao bằng cơ sở công lập có uy tín nhưng dù sao người dân được chăm sóc sức khỏe với 1 sinh viên được đào tạo 6 năm còn tốt hơn nhiều nếu so với việc rơi vào tay “lang băm”... Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho phép các trường ngoài công lập đào tạo Y, Dược khi đảm bảo đủ các điều kiện của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế. |