Chủ động phòng ngừa các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử
Chiều 26/10, tại Trường Đại Sư phạm Hà Nội 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên cốt cán, các thành viên của các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy” và Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma tuý” tại các cơ sở giáo dục khu vực miền Bắc.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy; các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học; các thầy cô giáo đại diện cho các Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 356/QĐ-BGDĐT phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”.
Đầu năm 2024, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã ký kết chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng các chương trình cụ thể, chuyên biệt để triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy trong học đường, đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các tiết học ở các cấp học; đồng thời có sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Hội nghị nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm.
Theo Trung tá Phan Đăng Trung, Phó Trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục…, trong đó có lứa tuổi thanh, thiếu niên. Thủ đoạn mua bán, tàng trữ của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi rất khó phát hiện.
Vì thế, việc trang bị những thông tin, kiến thức, kỹ năng để các bạn trẻ có thể chủ động phòng ngừa ma túy, tránh tình trạng bị lôi kéo sử dụng các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa ma túy… là rất cần thiết. Trung tá Phan Đăng Trung cho biết, hiện tại, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an cũng đang phối hợp để ban hành cuốn tài liệu về Phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục, trường học.
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã báo cáo các chuyên đề: Tổng quan về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam hiện nay; một số kết quả nổi bật; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; thực trạng, tình hình công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; kỹ năng tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.