Chủ động các kịch bản khi học sinh nhiễm COVID-19
Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố tăng trở lại. Đỉnh điểm là ngày 8/2, số ca mắc của cả nước đã lên tới gần 22.000 F0, trong đó tăng cao tại các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình...
Khi 20 triệu học sinh trở lại trường, số ca mắc sẽ tăng lên vì các em khó giữ được khoảng cách và thực hiện nghiêm ngặt 5K. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để không xảy ra việc quá nhiều học sinh dương tính cùng lúc vì tình trạng này sẽ gây quá tải hệ thống y tế.
Lo lắng lây lan cho người yếu thế trong gia đình
Ngay ngày đầu đi học trở lại, sáng 9/2, tỉnh Hà Tĩnh đã cho hàng nghìn học sinh tiểu học, mầm non của 58 trường nghỉ học hoặc chuyển sang học trực tuyến vì số ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, từ ngày 8/2 đến trưa 9/2, toàn tỉnh có 50 giáo viên và 331 học sinh là F0.
Cụ thể, các trường mầm non, tiểu học được nghỉ chủ yếu thuộc vùng dịch cấp độ 3, 4 và một số vùng có nguy cơ cao ở các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân... Việc học tập của các trường nói trên sẽ tiếp tục khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Tại Hà Nội, ngày thứ 2 đi học trở lại, nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng. Chị Phạm Thu Thảo, ở quận Tây Hồ cho biết, con chị mới tiêm 1 mũi vaccine do cháu bị phản ứng sau tiêm, nên chị khá lo nếu con nhiễm COVID-19. Nhiều phụ huynh có con nhỏ cũng lo lắng nếu anh (chị) đi học về lây dịch cho em.
Theo các chuyên gia nhận định, khi 20 triệu học sinh trở lại trường, số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên, bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K.
Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm COVID-19 khi trở lại trường vào ngày 8/2, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc COVID-9 theo "2 tầng" là tự theo dõi, chăm sóc tại nhà và khi phải nhập viện điều trị.
Còn BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nêu ý kiến, Bộ Y tế cần tập huấn phác đồ điều trị này cho các y, bác sĩ trong các bệnh viện nhi, khoa nhi cũng như các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường khi về gia đình có thể lây bệnh cho người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi hơn và phụ nữ mang thai, những đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine COVID-19.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cần phải có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh. Nếu không sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội.
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Bộ đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ trung ương xuống đến địa phương, nhất là không được để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải hệ thống y tế.
Đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe trẻ em lên hàng đầu
Tại Khoa Nhi điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho nhiều trẻ là F0. BS Nguyễn Mạnh Trường, Phụ trách Khoa Nhi cho biết, số trẻ nhập viện có cả trẻ sơ sinh 5-6 ngày tuổi và trẻ lớn. Có những trường hợp tương đối nặng. Mỗi ngày, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội luôn đứng đầu cả nước, vì thế người lớn có thể lây cho trẻ em. Nhóm đối tượng là trẻ em từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vaccine nên hoàn toàn có thể nhiễm COVID-19.
Theo ghi nhận trẻ em mắc COVID-19 bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở oxy mask, có những trường hợp phải thở máy.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị cho nhiều trẻ em bị nhiễm COVID-19. Theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19 của bệnh viện, nhiều gia đình cả nhà mắc COVID-19 và lây cho trẻ em khiến trẻ là F0 gia tăng. Trẻ em mắc COVID-19 vào Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị không ghi nhận trường hợp nào nặng, các cháu phần lớn là nhẹ, có cháu sốt cao nhưng chỉ 2-3 ngày qua đi rất nhanh.
Tại bệnh viện có điều trị cho trẻ F0 có bệnh nền viêm cầu thận, nhưng chỉ điều trị thuốc của bệnh lý nền, không thấy COVID-19 của cháu chuyển nặng. “Mặc dù các cháu không điều trị thuốc kháng virus nhưng cũng không ghi nhận trường hợp nào nặng phải điều trị tích cực như người lớn”, BS Hường nói.
Tuy nhiên, để phòng COVID-19 cho trẻ hiệu quả, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần tuân thủ quy định của Bộ Y tế như 5K, hạn chế tập trung đông người để tránh lây nhiễm cho các cháu nhỏ. Học sinh đi học phải tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Nếu trẻ nhiễm bệnh rồi thì phải theo sát diễn biến bệnh, tránh trường hợp bệnh nặng, gây nguy hiểm tính mạng trẻ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cuộc chiến chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân lên hàng đầu, đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em.