Chống lạm dụng văn mẫu trong trường phổ thông
Từ nhiều năm nay, văn mẫu đang bị lạm dụng trong nhà trường từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT, triệt tiêu đi tính sáng tạo, trói buộc tư duy học sinh, thậm chí khiến không ít học sinh mất dần hứng thú với môn học này.
Theo nhiều giáo viên, để dạy Ngữ văn không trở nên nhàm chán, không đánh mất đi sứ mệnh cao cả vốn có của môn học, tiến tới chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu, Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh nội dung sách giáo khoa theo hướng bám sát phát triển năng lực để từ đó bồi đắp và hình thành phẩm chất cho học sinh, đồng thời, phải thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá.
Triệt tiêu tính sáng tạo của học sinh, biến giáo viên thành “thợ” dạy
Nhiều giáo viên thừa nhận, dạy học văn theo bài mẫu đã trở thành căn bệnh trầm kha trong hầu hết các trường phổ thông hiện nay. Học sinh được giáo viên rèn để viết văn theo kiểu rập khuôn từ tiểu học. Tả về bà thì nhất định phải tóc trắng, lưng còng; tả về cây cối thì phải nhìn từ xa cây thế nào rồi lại gần trông ra sao… Học sinh cứ chép dài, đủ ý sẽ được điểm cao theo đúng hướng dẫn trong barem mà không chú trọng dạy các em cách đọc hiểu văn bản, cảm thụ tác phẩm và có suy nghĩ, góc nhìn riêng.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, nếu dạy học theo văn mẫu kéo dài, cả thầy và trò sẽ không thể phát triển năng lực, thậm chí tính cách cá nhân. Thực tế cho thấy, khi học sinh được bộc lộ sự chân thực, hồn nhiên là cơ hội để thầy hiểu trò, cha mẹ hiểu con cái, cũng tạo điều kiện để thầy cô có thể uốn nắn những suy nghĩ, xúc cảm, nhận thức nếu còn lệch lạc của các em, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp, lành mạnh một cách nhẹ nhàng, khéo léo, không áp đặt.
Cô Phạm Thái Lê-giáo viên môn Ngữ văn của Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng chia sẻ: Hiện các dạng văn viết sẵn cho những dạng bài tập làm văn trong chương trình học quá đa dạng. Những bài viết đó được học sinh “tham khảo” rồi “đạo” ở các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, thực trạng dạy và học theo văn mẫu còn là tình trạng, những gì thầy cô giảng/đọc cho trò chép trên lớp. Học sinh không được hiểu sai. Cách dạy đọc chép đã triệt tiêu nhu cầu hiểu khác của trò. Bản thân người dạy cũng không dám giảng khác với sách giáo viên, khác với những gì thầy của họ đã dạy, sách của thầy đã viết.
“Tức là tất cả mọi người dạy chỉ có một góc nhìn chung, đều đi theo một tiến trình cứng nhắc, đều chuyển tải một nội dung như thế từ năm này sang năm khác, từ thế hệ học sinh này sang thế hệ khác. Tự họ, cũng triệt tiêu trong mình nhu cầu khám phá cái mới của tác phẩm để trở thành “thợ dạy” đúng nghĩa”- cô Phạm Thái Lê cho hay.
Cô Nguyễn Minh Huệ, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) thì nhìn nhận: Để “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” cũng cần thay đổi về cách ra đề thi, đánh giá. Chừng nào còn ra đề, chấm thi theo cách cũ thì còn dạy học đọc - chép và văn mẫu, bài mẫu vẫn còn giá trị. Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng cần điều chỉnh chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh thay vì nặng về truyền thụ kiến thức như hiện nay.
Sẽ thay đổi cách dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông áp dụng từ năm học 2022-2023. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tăng cường hơn nữa việc phát huy tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.
Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học…
Đối với dạy đọc, xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Ngoài việc thay đổi cách dạy học, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu đổi mới cách đánh giá môn Ngữ văn trong nhà trường. Thay vì để học sinh học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, việc đánh giá môn Ngữ văn phải đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực, cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm theo hướng khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.