Chọn ngành học mới: Đừng chạy theo tâm lý đám đông

Thứ Năm, 22/02/2024, 04:22

Năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh với sự ra đời của hàng loạt ngành học mới. Sự xuất hiện các ngành học mới sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh, giúp các em có thể “đón” trước nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy vậy, trước xu thế “nở rộ” các ngành học mới, các chuyên gia cũng khuyến cáo thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ để có thể hạn chế rủi ro.

“Nở rộ” các ngành học mới

Một trong những ngành học mới đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm 2024 là thiết kế vi mạch - bán dẫn. Ngành học này đang được nhiều trường ĐH trên cả nước đồng loạt mở mới và tuyển sinh từ năm nay. Đáng chú ý, không chỉ các trường khối kỹ thuật, công nghệ có bề dày đào tạo nhiều năm, một số trường ĐH đa ngành cũng mở ngành thiết kế vi mạch để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời gian tới.

332000689_1246283126324390_7425026490388519333_n.jpeg -0
Cán bộ tuyển sinh tư vấn về ngành học và việc chọn trường cho thí sinh. (Ảnh minh họa)

ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn; Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật- ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa…  đồng loạt thông báo mở mới và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch-bán dẫn trong năm 2024. Trước đó năm 2023, một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học FPT đã mở mới và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch- bán dẫn.

Để đáp ứng nhu cầu thiết thực của thị trường lao động, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng mở các ngành học mới, hiện đại, mang tính ứng dụng nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Năm nay nhà trường dự kiến mở thêm ngành học mới là Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng. Với việc mở thêm ngành học mới này, đây sẽ là lần đầu tiên trường đào tạo nhóm ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến sẽ tuyển sinh chuyên ngành đào tạo về Game với số lượng khoảng 200 sinh viên. Cử nhân Công nghệ Game tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến sẽ là chương trình đào tạo chính quy và chuyên sâu về Game đầu tiên tại Việt Nam, giúp đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng thiết kế và phát triển Game ở trình độ cao. Năm 2024, Trường ĐH Việt Đức cũng sẽ mở thêm ngành mới là Kỹ thuật giao thông thông minh.

Năm 2024, ĐH Ngoại thương, trường ĐH tốp đầu cả nước về khối ngành kinh tế dự kiến tuyển sinh thêm các ngành mới là Khoa học máy tính, Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến tuyển sinh 6 ngành mới, trong đó có 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin. Cụ thể, các ngành đào tạo dự kiến mở mới gồm Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động. Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng mở hai ngành học mới tích hợp công nghệ ứng dụng là Công nghệ nghệ thuật và Điều khiển thông minh- tự động hóa. Trong đó, ngành Công nghệ nghệ thuật là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, kết hợp giữa tri thức của các nghệ sỹ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo…

Cân nhắc lựa chọn để hạn chế rủi ro

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thí sinh thường có tâm lý chạy theo cái mới nên việc các trường ĐH mở các ngành học mới là đánh “trúng” vào tâm lý này. Tuy vậy, ông Khuyến cũng khuyến cáo thí sinh khi lựa chọn các ngành học mới cần dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, sở trường của bản thân, ưu tiên lựa chọn các cơ sở đào tạo có uy tín và tuyệt đối tránh chạy theo tâm lý đám đông.

Lý do là hiện nay, một số ngành mới Việt Nam chưa đào tạo nên không có chuyên gia đầu ngành; không phải ngành nào cũng có doanh nghiệp phù hợp để sinh viên thực tập. Do vậy, khi đăng ký ngành học mới, thí sinh cần cân nhắc ngành đó đã mở được bao lâu; tìm hiểu đội ngũ giảng viên của ngành được công bố công khai trong đề án tuyển sinh; uy tín của cơ sở đào tạo cũng như dự báo về nhân lực, cơ hội việc làm trong thời gian tới.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng nêu quan điểm: Nhiều ngành học mới mở ra mà chất lượng đào tạo không “chất” thì cũng dễ dư thừa, ra trường rất dễ thất nghiệp, sẽ tốn kém tiền bạc của người học. Do vậy, đi đôi với việc mở rộng các ngành nghề đào tạo để đáp ứng thị trường lao động thì các cơ sở giáo dục ĐH phải đặc biệt chú ý đến chất lượng đào tạo. Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Lập, mặc dù các thông tư, quy định của Bộ GD&ĐT về điều kiện, trình tự thủ tục mở ngành đào tạo trình độ ĐH hiện nay tương đối chặt chẽ. Tuy vậy, trên thực tế, ban đầu mở ngành mới các trường cũng gặp khó khăn, nhất là các trường không có sự liên thông ngành nghề giữa ngành mới các ngành cũ mà họ đã đào tạo. Do vậy, khi “dấn thân”, thí sinh cũng cần cân nhắc việc chọn ngành mới của các trường này để tránh rủi ro. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc quản lý về đề án mở ngành đào tạo mới, lộ trình đảm bảo chất lượng đạo tạo thì công tác thanh tra, giám sát và hậu kiểm phải được tiến hành thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như quyền lợi của người học.

Huyền Thanh
.
.
.