Cấp giấy phép hành nghề đối với nhà giáo: Tránh chồng chéo, gây tốn kém, phiền hà
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo quy định giấy phép hành nghề đối với nhà giáo là cần thiết nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều, mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này; rà soát các điều khoản trong dự thảo Luật để đảm bảo tương thích, tránh chồng chéo và gây tốn kém, phiền hà cho nhà giáo và nhà nước.
Ngày 10/7, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực họp phiên chuyên đề tham vấn ý kiến đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.
Tham luận về một số vấn đề đặt ra với quản lý nhà nước về nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng trên thực tế chưa có đầu mối thống nhất chịu trách nhiệm chuyên môn quản lý nhà nước với nhà giáo, có sự chồng chéo chức năng giữa ngành Giáo dục và ngành Nội vụ, dẫn đến tình trạng có học sinh mà không có giáo viên.
Kiến nghị đối với việc xây dựng Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển đề nghị cần quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương, bảo đảm các cơ quan của ngành Giáo dục được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với các cấp toàn bộ các khâu về quản lý nhà giáo đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng…
Đồng tình với dự kiến quy định giấy phép hành nghề nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, TS Nguyễn Vinh Hiển nhận định, có giấy phép hành nghề sẽ dễ dàng đưa các quy định về chuẩn nhà giáo vào cuộc sống, khắc phục việc lạm dụng danh nghĩa nhà giáo, tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế về nhà giáo.
Từ góc độ giáo dục nghề nghiệp, GS.TSKH Dương Quý Sỹ, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đã được xây dựng toàn diện, công phu, bao phủ hết và không có sự xung đột, chồng chéo với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Còn theo PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dự thảo nên bổ sung thêm nhà giáo nước ngoài vì đây là xu hướng tất yếu. Đồng thời, cần làm rõ hơn về giảng viên đại học, bởi xu hướng ở nhiều nước chính khách, doanh nhân vẫn có thể làm giảng viên, do đó nên có cơ chế mở tối đa.
Đánh giá cao Ban soạn thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, những điểm nghẽn hiện nay như vị thế nhà giáo, tuyển dụng nhà giáo, chính sách tiền lương… đều đã được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo. Về giấy phép hành nghề dạy học, GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu đánh giá tác động qua lại nhiều chiều, mở rộng xin ý kiến nhiều đối tượng, nhất là đội ngũ nhà giáo với nội dung này, rà soát các điều khoản trong dự thảo Luật để tương thích…
Cũng liên quan đến giấy phép hành nghề dạy học, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Luật Nhà giáo còn có một mục đích rất quan trọng, đó là khẳng định dạy học là một nghề và đã là một nghề liên quan đến con người thì chắc chắn cần giấy phép nghề nghiệp. Vấn đề cần xin ý kiến là vai trò, tính pháp lý của giấy phép hành nghề dạy học trong mối quan hệ với các chứng chỉ văn bằng khác, trên quan điểm chất lượng, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, gây phiền hà, tốn kém cho nhà giáo và nhà nước.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cảm ơn các chuyên gia, nhà giáo đã quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ, đóng góp trí tuệ, tâm huyết với việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Đồng thời, mong muốn các chuyên gia, nhà giáo sẽ tiếp tục có các trao đổi tại các diễn đàn khác nhay để lan tỏa tinh thần vô cùng cần thiết ban hành Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, Luật Nhà giáo đặt ra yêu cầu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý với lực lượng này. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích luật đem lại cho nhà giáo, đồng thời cũng yêu cầu đội ngũ phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng để đáp ứng tốt yêu cầu của sự đổi mới, yêu cầu của thời đại.