Căng thẳng “cuộc đua” vào lớp 10 THPT công lập

Thứ Sáu, 03/06/2022, 09:40

Chưa đầy 3 tuần nữa, kỳ thi vào 10 THPT năm học 2022-2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra. Ở giai đoạn "nước rút" này, hầu hết các sỹ tử đều “dốc” toàn bộ sức lực, thời gian cho việc ôn tập rất vất vả. Năm nay toàn thành phố có hơn 106. 000 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trong khi đó chỉ có khoảng 69.000 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 27.000 học sinh không có suất vào lớp 10 THPT công lập.

Cạnh tranh cao chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành

Với việc chỉ có khoảng 60% học sinh lớp 9 được vào các trường THPT công lập nên tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội những năm gần đây luôn căng thẳng, quyết liệt hơn cả thi đại học. Trong đó, đa phần các trường có mức độ cạnh tranh cao chủ yếu đều tập trung ở các quận nội thành.

Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 mà Sở GD&ĐT vừa công bố, top 10 trường THPT công lập có tỷ lệ “chọi” cao nhất năm nay đều tập trung ở các quận nội thành gồm: THPT Yên Hòa, THPT Mỹ Đình, THPT Nhân Chính, THPT Lê Quý Đôn Hà Đông, THPT Cầu Giấy, THPT Quang Trung - Hà Đông, THPT Phan Đình Phùng, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Hoàng Văn Thụ. Trong 12 khu vực tuyển sinh, khu vực 3 bao gồm các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân có 13.478 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 - đông nhất thành phố. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hoá cao, tập trung nhiều trường THPT chất lượng cao, có điểm chuẩn thường nằm trong top đầu của thành phố. Tổng chỉ tiêu của các trường ở khu vực này là 6.445 chỉ tiêu, chưa bằng một nửa so với số lượng thí sinh đăng ký. Các khu vực còn lại có khoảng 5.000 đến 6.000 thí sinh đăng ký.

Căng thẳng “cuộc đua” vào lớp 10 THPT công lập -0
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19/6. Ảnh minh họa: CTV.

Trái ngược với khu vực nội thành, nơi có mức độ cạnh tranh cao, ở  khu vực ngoại thành, một số trường THPT lại có số chỉ tiêu tuyển cao hơn số thí sinh đăng ký. Đơn cử như Trường THPT Tự Lập, số đăng ký chỉ 268 trong khi chỉ tiêu tới 450; THPT Ba Vì số đăng ký 642, chỉ tiêu là 675; THPT Minh Quang, số đăng ký 253, chỉ tiêu là 405 và THPT Đại Cường, số đăng ký 285, chỉ tiêu là 315…

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể đăng ký vào trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ trên địa bàn Hà Nội. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2 điểm.

“Tăng tốc” ôn thi vào lớp 10

Em Hoàng Quỳnh Mai, học sinh lớp 9 Trường THPT Cầu Giấy cho biết, em đăng ký dự thi vào 3 trường THPT đều có tỷ lệ chọi cao, trong đó nguyện vọng 1 là Trường THPT Yên Hoà, trường có tỷ lệ chọi cao nhất năm 2022. Mặc dù là học sinh có học lực giỏi nhưng để có thể đạt mục tiêu đỗ nguyện vọng 1, lịch học thêm của Mai kín cả tuần. Trong tuần, Mai học khoảng 4 buổi tiếng Anh, 3 buổi Toán, còn lại tất cả dành cho môn Văn, vì môn này em thấy lực học của em đuối hơn 2 môn kia.

Căng thẳng “cuộc đua” vào lớp 10 THPT công lập -0
Ảnh minh họa.

“Em cảm thấy khá mệt mỏi, áp lực khi lịch học kín mít cả tuần, không có thời gian nghỉ ngơi kể cả khi về nhà, có hôm phải ôn bài đến tận 2-3h sáng. Tuy nhiên, do thời gian thi đã cận kề nên chúng em không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải dồn toàn bộ thời gian cho giai đoạn nước rút này” - Mai chia sẻ. Chị Nguyễn Hồng Hà, phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Con gái đăng ký nguyện vọng 1 vào một trong những trường top đầu của Hà Nội là THPT Kim Liên. Mặc này năm nay tỷ lệ chọi vào trường thấp hơn năm ngoái nhưng cuộc đua cũng rất khốc liệt vì chỉ những học sinh thực sự xuất sắc, tự tin vào kết quả học tập toàn diện ở cả 3 môn thi mới dám đăng ký dự thi vào trường”.

Kể từ cuối tháng 4, các trường THCS trên địa bàn thành phố đã hoàn thành kế hoạch dạy học cho học sinh lớp 9 và bắt đầu bước vào giai đoạn ôn tập. Để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho từng đối tượng học sinh, các trường thường phân loại học sinh theo năng lực để có giải pháp hỗ trợ phù hợp nhất. Một số trường cũng đã tổ chức thi thử 2 vòng cho học sinh được cọ xát với cấu trúc đề tương tự như đề thi của Sở GD&ĐT. Từ đó, học sinh sẽ quen thuộc hơn với các bài thi và tự đánh giá được năng lực của mình đang ở mức độ nào. Giáo viên sau đó cũng chấm, chữa trực tiếp để học sinh rút kinh nghiệm.

Cô Nguyễn Lan Hương, giáo viên Trường THCS Đại Kim (Hà Nội) cho biết: Hiện nay đang là giai đoạn tăng tốc để về đích. Do đó, nội dung ôn tập thường là theo chuyên đề và luyện các dạng đề thi vào lớp 10. Điều này nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng và làm quen với việc phân bổ thời gian trong quá trình làm bài. Cũng theo cô Hương, với số lượng hơn 60% học sinh sẽ vào được các trường THPT công lập, trong quá trình ôn tập, giáo viên nhà trường cũng phải có sự tư vấn và định hướng phù hợp để học sinh có thể chọn trường theo sức học của mình.

Huyền Thanh
.
.
.