Các kỳ thi của Hà Nội yêu cầu cao hơn về an toàn
Với số lượng thí sinh dự thi THPT chiếm hơn 1/10 của cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, việc tổ chức kỳ thi của Hà Nội đòi hỏi mức độ cao hơn về tính chu đáo và các điều kiện an toàn.
Tại buổi làm việc chiều 16/6 giữa đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP thông tin, Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi này, trong đó có 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục Trung học phổ thông; 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên.
Hà Nội dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi; điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi và 537 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. TP cũng thành lập tổ giám sát gồm 16 nhóm, Ban Chỉ đạo thi TP thành lập 11 tổ kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi đang được gấp rút triển khai, TP Hà Nội bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
Ông Cương thông tin, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức ôn tập bảo đảm hiệu quả, tăng cường hỗ trợ thí sinh về mọi mặt để các thí sinh dự thi đạt kết quả cao. Nhằm đẩy mạnh công tác ôn tập cho học sinh lớp 12, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Đài PT&TH Hà Nội thực hiện nội dung hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trên truyền hình. Đơn vị cũng tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp chưa như mong muốn để cùng trao đổi, tháo gỡ, lập kế hoạch ôn tập cho học sinh. Nhóm học sinh khuyết tật tại các trường chuyên biệt cũng luôn được quan tâm đảm bảo quyền lợi.
“Từ việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024, Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội đã rút kinh nghiệm một số nội dung và có phương án khắc phục để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là trong khâu in sao đề thi. Hiện nay, công tác in sao đề thi đang được thực hiện theo kế hoạch. Địa điểm in sao đề thi được bố trí biệt lập, bảo đảm 3 vòng độc lập và đáp ứng các điều kiện an toàn, bảo mật theo quy chế thi. Xác định tính chất quan trọng của kỳ thi, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi với yêu cầu 100% cán bộ làm nhiệm vụ phải nắm vững quy chế, có tinh thần trách nhiệm cao và không chủ quan ở mọi khâu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết.
Giải đáp câu hỏi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về các biện pháp hỗ trợ thí sinh, ông Trần Thế Cương cho biết, năm nào Hà Nội có tỷ lệ thí sinh tự do nhiều nhất trong các địa phương (gần 4.000 em). Đây là đối tượng thí sinh gặp nhiều khó khăn trong học tập, đòi hỏi có sự quan tâm hơn trong quá trình ôn tập, dự thi.
Ngoài việc hỗ trợ thường xuyên của các nhà trường về mọi mặt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giúp thí sinh ôn tập qua hệ thống học và thi trực tuyến https://study.hanoi.edu.vn); học qua truyền hình (3 buổi/tuần)… Phương án hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi cũng đã được xây dựng với tinh thần ưu tiên các điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
Lưu ý với Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội trong việc tổ chức kỳ thi, theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), với số lượng thí sinh lớn nhất trong các địa phương, Hà Nội cần quan tâm đến công tác chấm thi để bảo đảm kế hoạch chung của Bộ. Đồng thời, kiểm tra kỹ công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại tất cả các điểm thi, quan tâm hỗ trợ các thí sinh có vấn đề về sức khỏe bảo đảm đúng quy chế và thuận lợi cho thí sinh.
Ông đánh giá cao Hà Nội trong công tác chuẩn bị kỳ thi, nhất là việc TP vừa tổ chức hiệu quả tại kỳ thi vào lớp 10. Đến giờ phút này, về phía Ban chỉ đạo quốc gia, mọi phần việc cơ bản đã hoàn thành (gồm việc ban hành văn bản hướng dẫn, làm đề, thanh kiểm tra giám sát, tổng hợp thông tin); hiện còn 5 nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, đó là: In sao đề, coi thi, chấm thi, tổng hợp xử lý số liệu và xét tốt nghiệp THPT.
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương đề nghị Hà Nội cố gắng tổng kiểm tra lần cuối mọi công tác chuẩn bị, đặc biệt ở các địa bàn xa, quan tâm đến đối tượng thí sinh chuyên biệt, xây dựng một số kịch bản dự phòng để tránh bị động. Nếu có tình huống bất ngờ, cần báo cáo Bộ để thống nhất phương án giải quyết trên toàn hệ thống; đồng thời thực hiện phương châm: Chấp hành đúng quy chế; làm đúng trước khi làm tốt; bình tĩnh trong xử lý tình huống.
Qua nghe báo cáo và trực tiếp kiểm tra địa điểm in sao đề thi, chấm thi của Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản, nghiêm túc của Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội và nhận định, thời điểm này, việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã được TP Hà Nội thực hiện đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Ông Sơn nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh chiếm hơn 1/10 thí sinh dự thi cả nước, địa bàn rộng, dân cư đông, giao thông phức tạp và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh; do đó, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi càng đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ trong từng bước thực hiện từ phía Ban chỉ đạo TP và Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi và đặc thù có số lượng thí sinh lớn nhất trong các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, công tác tổ chức kỳ thi của Hà Nội đòi hỏi mức độ cao hơn về tính chu đáo và các điều kiện bảo đảm an toàn. Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội cần ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất cho khâu in sao đề thi và chấm bài thi trắc nghiệm khách quan, đồng thời với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở mọi khâu; tổ chức tập huấn quy chế thi đầy đủ, nghiêm túc cho cán bộ coi thi; tăng cường hỗ trợ thí sinh, chủ động xây dựng phương án dự phòng ứng phó với các tình huống như ùn tắc giao thông, mất điện, úng ngập…
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: Ban chỉ đạo thi TP và các quận, huyện, thị xã xác định, việc tổ chức kỳ thi là thường niên nhưng không chủ quan. Ban chỉ đạo thi TP và các địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát kỹ các phương án tổ chức kỳ thi tại 100% các điểm thi; có kịch bản ứng phó với các tình huống, đồng thời, tăng cường tuyên truyền trước kỳ thi về quy chế thi, đặc biệt về trách nhiệm thí sinh và các vật dụng không được phép mang vào phòng thi.