Ban đại diện cha mẹ học sinh có lạm quyền?
Thời gian qua, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các lớp học nhằm tránh tình trạng lạm thu tiền quỹ. Nhiều người cho rằng, ban đại diện này là “cánh tay nối dài” của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp, chỉ làm mỗi việc thu tiền của phụ huynh học sinh (PHHS) để chi nhiều khoản không đúng quy định.
Đầu mỗi năm học mới, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đều có văn bản hướng dẫn về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, do không có chế tài và sự kiểm soát chưa chặt chẽ nên việc thu tiền quỹ PHHS vẫn diễn ra ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố. Thậm chí có Ban đại diện cha mẹ học sinh còn lạm quyền, gây bức xúc đối với PHHS và dư luận xã hội.
Một số phụ huynh có con học lớp 8/9 tại một trường trung học cơ sở (THCS) ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong Ban đại diện cha mẹ học sinh có người nhắn tin lên nhóm Zalo với lời lẽ không tôn trọng PHHS, không quan tâm đến việc học tập của các con và hoàn cảnh gia đình các em, mà chỉ chăm chú vào việc thu tiền để chi.
Còn ngày 1/10, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về bản dự thảo chi tiêu do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 6/10 Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Theo bảng dự thảo, lớp 6/10 dự kiến năm học 2024 - 2025 sẽ có 12 hoạt động, như: Vui Tết Trung thu, tài trợ 3 quạt máy, thuê trang phục biểu diễn, hoa chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trang trí cho các dịp lễ và trích 300.000 đồng/học sinh để hỗ trợ trường. Một em trong lớp dự kiến đóng 1.899.000 đồng/năm.
Theo cô Lê Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, đây là bản dự thảo do Trưởng ban và các thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 6/10 trong năm học 2024 - 2025 đưa ra dự trù...
Còn ngày 2/10, trên mạng xã hội cũng xuất hiện bảng dự kiến thu chi đầu năm của quỹ lớp tại lớp 6A5 Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP Hồ Chí Minh, với tổng thu 70 triệu đồng từ 47 học sinh. Chi phí đã sử dụng gồm: Cô chủ nhiệm là 5 triệu đồng, máy lạnh 38.480.000 đồng, mua kệ dép 1,7 triệu đồng, máy chiếu 12,8 triệu đồng, khăn trải bàn 385.000 đồng, bóng đèn 990.000 đồng, ghế giáo viên và tủ là 2,5 triệu đồng, vệ sinh sàn và lớp học 1 triệu đồng, sơn lớp và công thay bóng đèn 3 triệu đồng... Tổng chi 65.855.000 đồng. Quỹ lớp còn dư 4.145.000 đồng.
Theo cô Nguyễn Thị Hoài Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, đây là bảng thống kê thu chi quỹ lớp của lớp 6A5 tại trường. Lớp 6A5 có 51 học sinh, 47 em đã đóng tiền quỹ lớp, gồm 46 em đóng 1,5 triệu đồng và 1 em đóng 1 triệu đồng. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 6A5 đề xuất nhà trường cho phép gắn 2 máy lạnh, sơn lại lớp học, vệ sinh trang thiết bị và sàn lớp học, lắp máy chiếu, trang bị kệ dép cho lớp.
Anh Lê Văn Lợi ở TP Hồ Chí Minh cho hay: “Tôi nhớ cái thời tôi đi học đầu những năm 90 và 2000 thì không thấy tiền quỹ trường, mà chỉ quỹ lớp. Tiền quỹ lớp thì để mua phấn, khăn trải bàn giáo viên hay liên hoan lớp phát thưởng cho những bạn học yếu mà phấn đấu. Giờ tiền quỹ lớp đi biếu cho giáo viên và bảo mẫu hay các cô làm vệ sinh là sao ta? Vậy bảo mẫu và mấy cô làm vệ sinh không được nhận lương hả? Giờ thấy quỹ lớp vô tội vạ vậy”.
Nhiều PHHS cho rằng, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh phải là người có tâm huyết với giáo dục, hết lòng vì học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Khi trong lớp có học sinh gặp khó khăn, thầy cô chủ nhiệm sẽ trao đổi với Ban đại diện cha mẹ học sinh để có sự quan tâm, đúng với việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục các em học sinh. Chứ không chỉ là thu quỹ rồi đẻ ra đủ các khoản chi, mọi hoạt động đều phải tuân thủ quy định.
Theo quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Liên quan đến thu tiền quỹ đầu năm học, thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, về văn bản chỉ đạo khá đầy đủ từ HĐND, UBND thành phố và Sở GD&ĐT, nhất là Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ về những khoản thu chi, những khoản nào không được phép chi… Thực tế thì nhiều trường thực hiện tốt, nhưng một số trường làm chưa đúng. Việc xử lý những trường hợp vi phạm cũng mới ở mức chừng mực nên chưa răn đe được gì, dư luận xã hội cũng chưa đồng tình với mức độ xử lý. Ban giám hiệu nhà trường cần quán triệt các văn bản đến đội ngũ giáo viên và cả Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm. Căn cứ vào các quy định đề xuất mức xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong thu chi.