Ba thay đổi nhỏ đáng mừng trong giáo dục đào tạo
Quy định thu hút thí sinh khá giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi là sự thay đổi đột phá, thể hiện ý chí của người lãnh đạo coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Do vậy, có thể khẳng định xã hội sẽ loại bỏ khỏi câu nói dân gian khá bi ai một thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Thật đáng mừng lắm thay!
1. Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến than phiền hiện tượng một số thí sinh dự tuyển đại học năm nay điểm cao chót vót nhưng vẫn trượt. Thậm chí có em đạt 30 điểm mà không đỗ nguyện vọng 1, có trường CAND lấy điểm chuẩn đến 30,34 điểm đối với nữ, như thế là quá cao, không thể có điểm 3 môn thi cao như thế?...
Trước thực tế trên, nhiều người đặt câu hỏi, ai có lỗi khi điểm cao không vào được đại học?
Thực ra, không ai có lỗi khi các em thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2021-2022 đạt điểm cao. Học lực, đề thi, chấm thi từng năm học là ba yếu tố cơ bản sẽ cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia cao, thấp khác nhau trở thành quy luật trong thi cử. Vấn đề là khi các em đăng ký nguyện vọng để xét tuyển vào đại học thì phải căn cứ vào số lượng, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, từng khoa nên có em trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1), có em không đủ điểm trúng tuyển NV1 thì phải xuống NV2 hoặc NV3, đó cũng là điều rất bình thường.
Có một thay đổi tiến bộ năm nay được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ là quy chế tuyển sinh năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là coi tất cả các nguyện vọng của thí sinh đều là nguyện vọng 1. Thí sinh nào không đủ điểm vào NV1, thì khi đăng ký vào NV2, hoặc NV3 thậm chí cả NV4... thì đều được lấy ngang bằng điểm NV1 của tốp trường mà mình đăng ký.
Ví dụ, trường Đại học A tuyển sinh điểm NV1 là 21 điểm, thì cũng lấy điểm NV2, NV3 của các thí sinh khác cùng trúng tuyển là 21. Vì thế, các em đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia đều đỗ đại học nếu các em có đăng ký các nguyện vọng tiếp sau NV1. Khác với một nghịch lý của hàng chục năm trước đây, có trường hợp NV1 điểm rất thấp mà đỗ, các em đăng ký NV2, NV3 cùng ngành có điểm cao hơn nhiều nhưng vẫn trượt.
Năm học 2021-2022, kỳ tuyển sinh đã thay đổi theo hướng khoa học, đúng đắn, nhân văn. Đó là nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, phần mềm tạo nên nguyên lý “bình thông nhau” giữa các trường, tất cả các em đỗ điểm cao đều có cơ hội bình đẳng được học đại học theo đúng nguyện vọng. Tất nhiên, do chỉ tiêu, hạn mức của từng trường, nhiều em không đạt NV1 cũng là điều dễ hiểu. Nhưng các em có quyền sử dụng các NV sau, ứng tuyển vào các trường, ngành mà mình yêu thích, cơ hội bình đẳng với ứng viên NV1 cùng tốp.
Như vậy các em đạt điểm cao ít gặp rủi ro bị loại khỏi cổng trường đại học, cơ hội luôn nằm trong tay các em. Lý giải hiện tượng tuyển sinh các trường học trúng tuyển trên 30 điểm như ở Học viện Chính trị CAND chẳng hạn, một lãnh đạo của Học viện giải thích rằng đó là thí sinh nữ, được cộng thêm điểm ưu tiên thì mới có tổng điểm cao như vậy. Vì tuyển sinh nữ rất ít nên buộc phải lấy điểm cao cũng là điều bình thường.
2. Cũng năm học 2021-2022, có một quy định của Chính phủ tạo nên “đợt sóng” các thí sinh nô nức ứng thi tuyển vào các khoa, trường sư phạm. Theo quy định mới nhất được thực hiện trong ngay trong năm học 2021-2022, tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, tân sinh viên sư phạm sẽ không chỉ được miễn học phí như các khóa trước đây mà còn được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng. Như vậy, chỉ tính riêng tiền hỗ trợ phí sinh hoạt , sau 4 năm học, sinh viên sư phạm có thể nhận được hỗ trợ lên đến 142,5 triệu đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Việc nhiều thí sinh ứng tuyển vào ngành sư phạm như năm nay, khiến 64 mã ngành này tăng điểm tuyển sinh là dấu hiệu vô cùng đáng mừng. Có thể nói, các em học sinh khá giỏi của Việt Nam lựa chọn nghề sư phạm thì tương lai sẽ hình thành một đội ngũ giáo viên có tâm huyết, trình độ, có đạo đức; góp phần đào tạo nên lớp công dân có đức, có tài cho đất nước. Quy định thu hút thí sinh khá giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi là sự thay đổi đột phá, thể hiện ý chí của người lãnh đạo coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Do vậy, có thể khẳng định xã hội sẽ loại bỏ khỏi câu nói dân gian khá bi ai một thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Thật đáng mừng lắm thay!
3. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tới yêu cầu học thật, thi thật. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ trưởng tuyên bố, từ nay đối với môn ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy - trò. Theo chúng tôi, tưởng đây là một thay đổi rất nhỏ, những có ý nghĩa vô cùng lớn. Nếu làm tốt điều này, sẽ tạo nên bước đột phá lớn, vô cùng nhân văn cho toàn ngành giáo dục và xã hội.
Lâu nay, nhiều người trong chúng ta đã vô tình, vô cảm trước một việc quy định trong giáo dục phản khoa học, phản nhân văn là yêu cầu thầy cô dạy văn theo khuôn mẫu, bắt học trò học văn, tập làm văn theo văn mẫu. Trong khi tâm hồn của học sinh tuổi mới lớn vô cùng sinh động và phong phú, là giai đoạn đầu tiên và quan trọng hình thành trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người trong tương lai. Vậy mà bắt các em học theo khuôm mẫu cứng nhắc, nghĩa là góp phần tiêu cực tạo nên những “con vẹt” trong nhà trường, những cán bộ mẫn cán “sao chép” trong công việc. Hậu quả thật nặng nề, di chứng sẽ khó xóa bỏ đi một sớm một chiều.
Với việc quy định bỏ cách học theo văn mẫu, bài mẫu, tư duy của các em học sinh sẽ trở nên dân chủ, tự do trong sáng tạo, giàu trí tưởng tượng hơn; tâm hồn các em sẽ được giải phóng khỏi sự khô cứng, trở nên phong phú, sinh động, nhân văn hơn. Để làm được điều đó, nên chăng có quy định cấm dạy thêm, học thêm môn văn; thay đổi thói quen và nâng cao trình độ, năng lực thẩm thấu, giảng dạy môn ngữ văn trong trường phổ thông. Với cách học và dạy không có gì là mới mẻ này, chúng ta hi vọng sẽ có những lớp thế hệ công dân thông minh, nhân bản, yêu thương con người hơn trong tương lai.