An toàn giao thông trở thành tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của giáo viên
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh đang diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) đối với học sinh.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra gần 900 vụ TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng.
Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự ATGT, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.
Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý".
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự ATGT cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hoá giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. Phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh.
Bộ GD&ĐT cần yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đưa nội dung bảo đảm ATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, nhân viên, giáo viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục; xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học...