Ẩn họa từ bạo lực học đường

Thứ Tư, 19/04/2023, 07:10

Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ bạo lực học đường, mức độ các vụ việc ngày càng thể hiện tính côn đồ, đáng báo động. Không chỉ bạo lực giữa học sinh với nhau mà còn xảy ra với ngay cả lãnh đạo nhà trường: Hiệu trưởng đánh hiệu phó, hiệu trưởng đánh giáo viên… Môi trường giáo dục có thể nói đang bị những phần tử xấu gây mất an ninh, trật tự, bị “ô nhiễm” nặng bởi tính côn đồ.

Đỉnh điểm là vụ nữ sinh N.T.Y.N (SN 2007, lớp 10A15) học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử ngày 15/4 nghi do bạo lực học đường. Người thân của nữ sinh cho biết,  cháu bị các bạn “đánh, bị áp đảo tâm lý…”. Cháu có nói với mẹ là sợ đi học, sợ phải đến trường. Mẹ nữ sinh đã đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm nhờ xin chuyển lớp cho con, nhà trường nói rằng sẽ tìm hiểu sự việc để có biện pháp xử lý. Chưa có biện pháp thì nữ sinh 17 tuổi đã ra đi trong sự đau đớn của gia đình, sự tiếc thương của thầy cô và bạn bè.

Trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ đánh nhau, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhiều học sinh không kiềm chế được bản thân đã tổ chức đánh nhau một cách dã man. Như vụ đánh nhau xảy ra tại Trường THCS Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 12/2022. Nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường dùng mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu. Sau đó kéo xuống ruộng nhấn xuống bùn, dùng chân đạp liên tiếp vào mặt trước sự thờ ơ của nhiều bạn bè. Không ai can ngăn, nếu nữ sinh này bị dìm trong bùn và chết thì như thế nào?

Mới đây, ngày 2/4/2023, xảy ra vụ nữ sinh đánh nhau tại khu vực nghĩa địa xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị, được quay clip đưa lên mạng xã hội. Trong clip, nữ sinh lớp 9 Trường THCS Cửa Tùng và nữ sinh lớp 10 Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh đánh nhau. Nữ sinh lớp 10 dùng dao gây thương tích cho nữ sinh lớp 9, rất may chưa xảy ra án mạng. Cũng tại Quảng Trị, ngày 7/4 xảy ra vụ đánh nhau giữa một số học sinh trên huyện Đakrông, khiến một em bị đâm tử vong tại trường...

1.jpg -0
Nhiều học sinh thản nhiên xem và quay clip cảnh các bạn đánh nhau ở Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh ngày 10/3. Ảnh cắt từ clip.

Về vấn đề bạo lực trong trường học, thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là điều đáng buồn của ngành Giáo dục; mặc dù của các cấp đều có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và lưu ý về việc không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian gần đây trong cả nước, xảy ra bạo lực đường dưới nhiều hình thức.

Đối với học sinh, bạo lực học đường xảy ra thường xuất phát từ nguyên nhân không có vấn đề gì lớn, nếu bình tĩnh, sáng suốt có thể giải quyết được; hoặc nếu người lớn kịp thời quan tâm, theo dõi thấy có những biểu hiện khác thường, có thể gặp gỡ và động viên các cháu.  Các mâu thuẫn chủ yếu từ việc nói xấu nhau trên mạng xã hội, cùng có tình cảm với một nhân vật nào đó rồi tranh giành nhau; có thể có những cử chỉ, lời nói thiếu cân nhắc đối với bạn mình, làm cho bạn mình phiền lòng và từ đó dẫn tới xung đột và đánh nhau.

“Nhưng tôi rất băn khoăn là khi xảy ra nhóm bạn đánh một bạn khác hoặc 2 nhóm đánh nhau, 2 bạn đánh nhau, những người còn lại đứng xem, cổ vũ và đôi khi lấy đó làm vui nữa; rồi quay lại clip để đưa lên mạng xã hội mà không can ngăn hay báo cho người lớn kịp thời đến ngăn chặn. Cái đó là điều cũng đau buồn trước sự thờ ơ, vô cảm của học sinh”, thầy Ngai chia sẻ.

Để kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, ngăn chặn các vụ việc bạo lực đối với lứa tuổi học sinh, thầy Nguyễn Văn Ngai cho rằng có 2 vấn đề lớn cần quan tâm. Đó là sự quan tâm của gia đình và sự giáo dục của nhà trường.

Gia đình phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với con em mình. Vì hiện nay, nhiều gia đình lo làm ăn, kiếm sống cho nên chỉ chu cấp mọi thứ khi con có yêu cầu, nhưng chưa hiểu con, chưa gần gũi con để có thể nắm bắt được tâm tư tình cảm và có sự giáo dục thích hợp, ngăn ngừa những sự việc bạo lực có thể xảy ra. Nhiều người đổ lỗi cho môi trường xã hội, nhưng trong cùng một địa bàn, cũng có những em rất ngoan, có em chưa ngoan. Đúng là môi trường có tác động nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn ở xã hội mà nền tảng vẫn là gia đình và nhà trường.

Đối với nhà trường, thầy cô giáo cần thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện những thay đổi tiêu cực, mâu thuẫn phát sinh để hoà giải, ngăn ngừa phát sinh các hành vi tiêu cực, bạo lực.

Đối với việc hiệu trưởng đánh hiệu phó nhập viện và hiệu trưởng đánh giáo viên, đây là điều có thể nói là hiếm trong môi trường giáo dục. Những người đứng đầu của trường học mà hành động bạo lực thì nói gì đến dạy học sinh. Do đó, ngành Giáo dục cần xem lại công tác cán bộ, tăng cường thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó để chọn những người phù hợp cả về trình độ chuyên môn và đạo đức nhà giáo. Sau một thời gian làm lãnh đạo nhà trường, nếu bị nhiều giáo viên phản ánh, thậm chí là làm đơn thưa về cách quản lý, phải xem xét đến việc cho giáo viên bỏ phiếu kín bầu chọn cho giữ chức vụ tiếp hay không.

Nguyễn Cảnh
.
.
.