Xử lý nghiêm vụ cô giáo 3 tháng lên lớp im lặng
Đó là chỉ đạo kiên quyết của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu tại cuộc họp vào sáng 6-4 sau khi nghe báo cáo về nội dung liên quan tới phản ánh của HS về việc giáo viên dạy môn Toán (cô Trần Thị Minh Châu) - Trường THPT Long Thới- Nhà Bè suốt 3 tháng lên lớp "bạo hành" HS bằng cách im lặng, không giảng bài.
Đề cập đến phản ánh của học sinh Phạm Song Toàn,tTrường THPT Long Thới về việc cô Trần Thị Minh Châu suốt 3 tháng lên lớp nhưng im lặng, không giảng bài, không trò chuyện với học sinh, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu cho biết, qua tìm hiểu được biết phụ huynh em Song Toàn xin chuyển trường cho em và đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo xem xét, giải quyết nhanh nguyện vọng của gia đình em Toàn.
Học sinh Phạm Song Toàn rơi lệ khi nói ra sự thật suốt 3 tháng cả lớp chứng kiến cô giáo Châu im lặng. |
Đơn của PHHS em Song Toàn gửi Ban Giám hiệu Nhà trường THPT Long Thới-Nhà Bè xin chuyển trường cho con vì quá áp lực. |
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu chỉ đạo phải xứ lý quyết liệt vụ việc. |
Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM Lê Hoài Nam cũng cho biết, ngay đầu tuần tới, em Song Toàn sẽ được chuyển trường.
Tại buổi họp, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới Bùi Bình Minh khẳng định, sự việc học sinh Phạm Song Toàn phản ánh là đúng và cho biết, cô Trần Thị Minh Châu về dạy Toán ở trường từ năm 2000. Năm 2005, cô chuyển sang một đơn vị trong khu vực lân cận. Năm 2012, cô về lại tại trường và hiện dạy Toán cho khối 10, 11.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của em Song Toàn, đích thân ông Bình cùng Ban giám hiệu đã xuống lớp 11A1 ghi nhận ý kiến của học sinh về sự việc cụ thể, nhất là tìm hiểu về thái độ và phương pháp giáo dục của giáo viên Minh Châu khi lên lớp.
Trước các ý kiến về việc nhà trường giải quyết xử lý kỷ luật chậm chễ, ông Bùi Bình Minh cho biết, thực tế phải nghiên cứu thật kỹ và đây cũng là thời điểm ôn thi cho học sinh nên phải lấy ngày thứ 7, chủ nhật hoặc sau giờ học để giải quyết vụ việc. Nhà trường cố gắng họp sớm Hội đồng kỷ luật và thông báo kết quả kỷ luật, cũng như có báo cáo cụ thể đến lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TP.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lê Hoài Nam cho biết thêm, việc làm của cô Châu là sai phạm theo Luật viên chức. Sau khi xử lý cô Châu sẽ xem xét tới trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và trách nhiệm các giáo viên liên quan.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cũng nhấn mạnh, sự việc xảy ra là nghiêm trọng, cho thấy các em đang bị bạo hành về mặt tinh thần. Cách xử lý của Sở Giáo dục - Đào tạo TP, hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường chưa rốt ráo. Việc xử lý sai phạm liên quan đến vụ việc này phải kiên quyết, triệt để.
Trong đó, giao trách nhiệm Sở Giáo dục - Đào tạo phải theo dõi quá trình xử lý vụ việc, không để phát sinh thêm sai phạm mới. Quá trình xử lý phải căn cứ vào các Luật định đã được ban hành, các văn bản của Bộ Giáo dục - Đào tạo liên quan đến đạo đức, trách nhiệm của giáo viên; đảm bảo đúng quy trình xử lý viên chức; tạo sự đồng thuận của dư luận; qua đó, chấn chỉnh các tồn tại liên quan đến ngành giáo dục kể cả các cơ sở công lập và ngoài công lập.