Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Cẩn trọng vì tỷ lệ thí sinh ảo còn cao hơn đợt 1

Thứ Tư, 24/08/2016, 09:19
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đến thời điểm hiện tại, số thí sinh chính thức nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học khoảng 200.000.

So với chỉ tiêu các trường đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 320.000, sẽ còn khoảng 100.000 thí sinh sẽ tiếp tục đăng ký xét tuyển ở các đợt bổ sung. Đợt xét tuyển bổ sung sẽ kéo dài từ ngày 21 đến 31-8 và trong đợt này, thí sinh sẽ được đăng ký 3 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ được phát 4 phiếu kết quả thi.Thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký và nộp cho trường đã trúng tuyển để xác nhận việc nhập học.

Thí sinh đã trúng tuyển không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Tuy vậy, trong những ngày đầu tiên của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, vẫn còn nhiều thí sinh không nắm rõ quy chế này. Bằng chứng là các em đến trường đã trúng tuyển và đã xác định việc nhập học để xin rút giấy chứng nhận điểm bản gốc đã nộp cho trường để nộp sang trường khác khi biết các trường này xét tuyển bổ sung và mình có cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh Bùi Việt Dũng ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: Sau khi biết mình không trúng tuyển vào trường Quân đội, em đã nộp giấy chứng nhận bản gốc vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chấp nhận học nguyện vọng 2. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin các trường quân đội xét tuyển nguyện vọng bổ sung, em đã đến trường Bách khoa xin rút để nộp sang trường quân đội nhưng nhà trường không đồng ý vì như thế là vi phạm quy chế.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016. (Ảnh minh họa)

“Với tình hình này, em cũng chưa biết chắc có vào học Bách khoa không hay là đợi năm sau thi lại”- Bùi Việt Dũng cho biết. Tương tự, một số thí sinh khác cũng đến các trường đã xác nhận việc nhập học để đăng ký xét tuyển bổ sung vào các trường vẫn còn thiếu chỉ tiêu ở các ngành mà các em yêu thích nhưng đều bị các trường từ chối.

Thí sinh Mai Ngọc Duy ở Thanh Xuân (Hà Nội) thì lại rơi vào tình huống khó khác, dù có điểm thi là 24 song Duy đều trượt cả trường Công an lẫn ĐH Ngoại thương. Duy cho biết, mặc dù năm nay nhiều trường ĐH lớn cũng không tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1, phải xét tuyển bổ sung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cơ hội để trúng tuyển sẽ còn nhiều song do đợt 1 phán đoán sai, dẫn đến trượt cả 2 nguyện vọng nên lần này em cảm thấy không tự tin cho lắm.

“Đợt xét tuyển này, em vẫn sẽ quyết tâm chọn đăng ký vào ngành học em yêu thích. Nếu không đỗ thì năm sau em thi lại”- Duy chia sẻ.

Lưu ý với thí sinh ở đợt xét tuyển bổ sung, PGS. TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng: Hiện nay, có tới 100 trường đại học trên cả nước đang xét tuyển bổ sung với rất nhiều chỉ tiêu, đa dạng ở các ngành, nghề.

Nếu thực sự có đam mê với ngành nghề nào đó thì việc lựa chọn các đại học này cũng tốt, vì các em được tiếp tục theo đuổi ngành nghề ưa thích, tránh việc vào đại một ngành, trường nào mà mình không thích rồi sinh ra chán nản.

Cũng theo ông Nghĩa, thí sinh cần phân biệt trường đã tuyển khá đủ chỉ tiêu ở đợt 1, nay chỉ còn thiếu chỉ tiêu ở một số ngành và trường hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu ở tất cả các ngành. Với trường hợp đầu tiên, thí sinh nên chú ý ngưỡng điểm an toàn, cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 khoảng 2 điểm. Với trường hợp thứ 2, việc cân nhắc điểm sẽ thoải mái hơn vì điểm vào trường có thể không tăng nhiều so với nguyện vọng trước.

Cũng theo ông Nghĩa, ở đợt xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh được đăng ký vào 3 trường với tối đa 6 nguyện vọng nên tỷ lệ thí sinh ảo sẽ cao hơn rất nhiều so với đợt 1. 

Trong đó về lý thuyết, tỷ lệ ảo sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo. Do vậy, thí sinh cần phải xem xét, tính toán thật kỹ để có đạt được mục tiêu đề ra là trúng tuyển vào các ngành còn thiếu chỉ tiêu mà các em thực sự yêu thích.

Huyền Thanh
.
.
.