Nhân Ngày nhân quyền thế giới (10-12):

Việt Nam đạt bước tiến lớn trong phổ cập giáo dục và xóa nạn mù chữ

Thứ Hai, 10/12/2018, 09:46
Đảm bảo quyền giáo dục tiếp tục được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển. Mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế, nhưng Việt Nam vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục.


Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. 

Với những nỗ lực đó, đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập tiểu học. Tỷ lệ biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15-35 và 15-60 của toàn quốc lần lượt là 97,92% và 97,35%, gần hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2020. Những kết quả này được xem là “điểm sáng” của Việt Nam, được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2

Không phải ngẫu nhiên mà kể từ cuối năm 1965, UNESCO đã quyết định chọn ngày 8-9 hàng năm để kỷ niệm “Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ”. Và cho tới thời điểm hiện tại, khi thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI đã trôi qua, việc xoá mù chữ vẫn là vấn đề mang tính cấp bách được cả thế giới quan tâm. 

Tại Việt Nam, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xoá mù chữ, coi mù chữ như một “quốc nạn” và mù chữ ở nước ta đã từng được xem là một trong 3 loại "giặc" nguy hiểm, bên cạnh hai loại giặc đói và giặc ngoại xâm. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua, đất nước ta đã và đang xây dựng một xã hội học tập và thu được nhiều kết quả có ý nghĩa. 

Mặc dù là một quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá là cao về thành tích giáo dục và phổ cập giáo dục so với các nước có mức thu nhập tương đương. 

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng khó khăn, trẻ khuyết tật như "Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn", tạo mọi điều kiện để trẻ khuyết tật được đến trường và hòa nhập theo chương trình học. 

Các trung tâm giáo dục cộng đồng đang trở thành mô hình hay trong việc hạn chế tỷ lệ tái mù ở Việt Nam.

Hiện nay, cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú với 94.000 học sinh, 1.013 trường phổ thông dân tộc bán trú với 159.212 học sinh và 4 trường dự bị đại học dân tộc với khoảng 4.000 học sinh. Năm học 2017-2018, 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số với 715 trường; 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; 6 bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số... 

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện các biện pháp trên, Việt Nam được đánh giá có tiến bộ nhanh hơn so với phần lớn các nước có thu nhập thấp khác trên thế giới trong việc phổ cập giáo dục và xóa nạn mù chữ hiệu quả. 

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), số liệu thống kê từ các Sở GD&ĐT trên cả nước cho thấy, hiện nay tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,65%, đến nay cơ bản đạt được mục tiêu (mục tiêu Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 đạt 98%). Trong đó, số người biết chữ trong độ tuổi 15-35 chiếm tỉ lệ 97,92%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36-60 chiếm tỷ lệ 96,35%.

Đánh giá về những kết quả  xóa mù chữ và phổ cập giáo dục từ năm 2013-2018, Bộ GD&ĐT cho biết: 

Thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, nhiều địa phương đã có những giải pháp vận động người lớn tuổi học các lớp xóa mù chữ, với sự phối hợp của nhiều lực lượng xã hội. Vì vậy, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 80,3% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đáng chú ý, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15-60 là 93,44%. Có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ. 

Giai đoạn 2013-2018, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30.000 người mù chữ từ 15-60 tuổi tham gia học các lớp xóa mù chữ (từ lớp 1 đến lớp 3); huy động được 25.000 người đã được công nhận biết chữ (học hết lớp 3) và những người đang học dở lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (từ lớp 4 đến lớp 5). 

Hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao, 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 

Chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó một số tỉnh đạt chuẩn THCS mức độ 2 và 3. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi

Nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phổ cập giáo dục và xóa nạn mù chữ, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: 

Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc xóa nạn mù chữ hiệu quả. Góp sức vào công cuộc này, không chỉ là sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục đào tạo mà còn kể đến sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội. Trong đó, hiện nay Hội Khuyến học đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương thành lập khoảng 11.060 trung tâm giáo dục cộng đồng. 

Các trung tâm học tập dựa vào cộng đồng này đang cùng nhau hoạt động để đối phó với nạn mù chữ bằng việc mở các lớp học và phát động nhiều hoạt động học đa dạng, giúp người học phát triển khả năng đọc và viết, qua đó cải thiện cuộc sống của mình, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi cũng được xem là “điểm sáng” của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. 

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2016-2017, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học là 92,16%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%; cơ sở vật chất giáo dục mầm non được cải thiện; trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng cao. Hết tháng 3-2017, đã có 80,17% số trẻ mẫu giáo, 85,5% trẻ 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa tại lớp; 41,04% số trường mầm non được đánh giá ngoài đạt chuẩn kiểm định cấp độ 1 trở lên... 99,1% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện, 100% đơn vị cấp tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết: Lứa tuổi mầm non là tuổi vàng của sự phát triển, việc chăm sóc giáo dục đầu đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người. Việc Việt Nam đạt được mục tiêu giáo dục phổ cập độ “Bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1” là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm quyền lợi của trẻ. 

Việc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi sẽ góp phần tạo nền tảng cơ bản cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; tạo cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước ban hành được các quy chuẩn về trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Đồng thời giúp cho toàn xã hội nhận thức về ý nghĩa vai trò của giáo dục mầm non, nhận thức về trách nhiệm của Nhà nước của các cấp chính quyền, của xã hội của cha mẹ trẻ và từng người dân đối với công tác chăm sóc giáo dục ở bậc học này.

Huyền Thanh
.
.
.