Trường đại học sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm

Thứ Sáu, 02/02/2018, 10:43
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Dự thảo thay thế Thông tư 32 Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo so với quy định hiện hành là sẽ trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động.

Không tăng chỉ tiêu đối với trường chưa đạt chuẩn kiểm định chất lượng

 Theo Bộ GD&ĐT, dự thảo nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. 

Dự thảo đưa ra hai tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở giáo dục gồm: Số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo từng khối ngành của cơ sở giáo dục và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo tính trên một sinh viên chính quy và yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo. 

Cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí được đặt ra tại quy định trên. Các cơ sở giáo dục công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. 

Các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định theo quy định tại Điều 52, Luật Giáo dục ĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng quản trị thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó; phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Đông Á.

Tuy vậy, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, các cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh). 

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã dành hẳn điều 7 để đưa ra nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, căn cứ để xác định chỉ tiêu của ngành này là nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, của các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo.

Theo Bộ GD&ĐT, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được áp dụng với các trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng (ảnh minh họa).

Sẽ sớm bổ sung thêm  tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm

Mặc dù thừa nhận dự thảo có một số điểm mới nhằm “cởi trói” cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy vậy, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về sự “lạc hậu” của dự thảo thông tư khi tiêu chí sinh viên có việc làm, vốn được xem là một đòi hỏi quan trọng quyết định chất lượng giáo dục cũng như thương hiệu của các trường vẫn chưa được đưa vào làm căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh. 

Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong Đề án tuyển sinh của trường để xã hội giám sát và đánh giá như một điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Năm 2018, Bộ GD&ĐT chưa đưa được tiêu chí sinh viên có việc làm vào Thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì phải phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 điều 34 Luật Giáo dục ĐH “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị”. 

Cũng theo ông Tuấn, sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng như quy định rõ đối với tiêu chí sinh viên có việc làm trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. 

Trong thời gian tới triển khai công tác kiểm định chất lượng đào tạo sẽ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục. Dự kiến, đến năm 2020, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ vào các tiêu chí kiểm định chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế của khu vực và thế giới.

Huyền Thanh
.
.
.