Đổi mới giảng dạy phổ thông theo hướng “tích hợp, liên môn”:

Trọng tâm ở người thầy

Thứ Bảy, 13/12/2014, 14:29
Một trong những nhiệm vụ của công tác đổi mới giáo dục trong việc xây dựng chương trình phổ thông giai đoạn sau năm 2015 là việc triển khai phương pháp dạy học tích hợp (DHTH), liên môn,nhằm xây dựng cho học sinh theo hướng phát triển năng lực.Việc đổi mới này đã được chuẩn bị từ 2 năm nay và chính thức áp dụng từ năm học 2014-2015 tại TP Hồ Chí Minh; song khi chương trình học và sách giáo khoa (SGK) chưa thay đổi, để DHTH trở thành thường xuyên cần sự nỗ lực rất“dày công” ở cả thầy và trò, trong đó vấn đề “cốt tử” vẫn là ở người thầy.

Nhiều thuận lợi nhưng đầy thách thức

Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), DHTH là hình thành nên được năng lực giải quyết tình huống thực tế cho học sinh (HS) trong quá trình tiếp thu kiến thức từ người thầy, là mục đích cuối cùng của quá trình dạy học. Đây cũng chính là cách tiếp cận và thực hành dạy học mà chương trình phổ thông sau năm 2015 muốn nhắm tới. Tại TP Hồ Chí Minh, giáo viên (GV) đã được chuẩn bị qua 2 năm nay, nhưng khảo sát từ Viện Nghiên cứu giáo dục - Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho thấy, đó là do không hiểu đúng, hiểu kỹ về phương pháp DHTH nên GV chưa đạt được hiệu quả trong thời gian qua.

Giờ giảng môn Khoa học cho khối lớp 3 theo giáo án điện tử với phương pháp dạy học tích hợp.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung, điều khích lệ của DHTH là giúp người GV phát huy tính sáng tạo, chủ động xây dựng, cập nhật thêm kiến thức mới trong bài giảng của mình, tạo sự hấp dẫn, thu hút HS trong tổ chức lớp học theo từng nhóm, thảo luận, tránh cho HS phải học bài theo kiểu truyền thống trước đây là thầy cứ phải “bấu víu” vào mỗi nội dung cố định trong SGK.

Tuy nhiên, cái khó với GV hiện nay là chưa phân biệt và làm rõ giữa việc DHTH và việc lồng ghép thêm kiến thức mới vào bài giảng. Chưa phân biệt được việc áp dụng sáng kiến cá nhân mỗi GV với ứng dụng phương pháp DHTH một cách toàn diện và có hệ thống. Khảo sát khoảng 300 GV phổ thông tại Đà Nẵng về DHTH, mà có tới gần 9% GV thừa nhận chưa hiểu gì phương pháp DHTH. Qua những buổi dự giờ tại TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực được các GV  tích  hợp nhiều nhất trong bài giảng là giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt được tích hợp nhiều trong môn Sinh học, Vật lý. GV đều thừa nhận, tiết học theo phương pháp DHTH đã tạo hứng thú cho HS, tránh nhàm chán vì HS được cập nhật kiến thức liên quan ở các môn học khác nhau, nhưng GV vẫn lúng túng không nhận thức được là việc lồng ghép, đưa thêm kiến thức nào vào là phù hợp, có đúng không vì chưa có SGK cụ thể hướng dẫn. Do vậy, hiện tại TP Hồ Chí Minh mới có 30% GV các trường phổ thông ứng dụng DHTH, còn lại vẫn dạy truyền thống là dạy cho số đông bằng kỹ thuật thuyết trình, dạy học nêu vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh phân tích: Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 theo hướng DHTH, liên môn để hình thành năng lực cho HS là hướng đi đúng đắn nhưng cũng đòi hỏi người GV phải dày công nghiên cứu, cấu trúc, sắp xếp lại nội dung bài giảng; Trong khi đào tạo cho sinh viên ở trường sư phạm chưa kịp đáp ứng vấn đề này, đây cũng là một thách thức lớn, nên cần có những bước đi cụ thể, chu đáo để mọi việc không quá xáo trộn.

Vấn đề cốt lõi là ở người thầy

Qua trao đổi với một số GV bậc tiểu học và THCS tại TP Hồ Chí Minh, nhiều GV còn lo “cháy” chương trình với DHTH khi mà vừa phải dạy cho xong nội dung cơ bản, vừa phải áp dụng cập nhật kiến thức mới cho bài giảng, mất thời gian, khi sĩ số HS quá đông. Vấn đề có quá khó khăn hay không?

Ngày 10/12 chúng tôi trao đổi với thầy Mai Văn Huynh, GV chủ nhiệm lớp 5(1) của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Gò Vấp, theo thầy Huynh, DHTH đòi hỏi cả thầy và trò phải động não, chuẩn bị trước cho bài học. Thu hút HS nhưng thừa nhận người thầy cực hơn rất nhiều. Tại Gò Vấp, DHTH ở Tiểu học tập trung ở một số môn Tiếng Việt, Khoa học, Địa lý và Đạo đức. Trong đó GV nghiên cứu từng bài trong SGK xem có tích hợp được hay không. Có môn chỉ tích hợp liên môn nhưng cũng có môn tích hợp toàn phần. Thầy Huynh nêu: Ví như bài về chất đốt, tôi yêu cầu các em sưu tầm hình ảnh chất đốt rắn, lỏng, chất đốt dạng khí... khi giảng bài, đề nghị HS phát biểu, liên hệ thực tế, chất đốt có ảnh hưởng ra sao với cuộc sống, khi không được bảo quản kỹ càng như nguy cơ gây cháy nổ... Và tại Gò Vấp, để chuẩn bị cho DHTH, toàn bộ GV cốt cán tại 20 trường tiểu học được giao soạn thảo, xây dựng giáo án điện tử, tới nay đã có một “ngân hàng giáo án điện tử” cho việc DHTH. Theo thầy Huynh, vấn đề đổi mới giáo dục không nằm ở chương trình, SGK mà vấn đề cốt lõi chính là GV. Quan trọng nhất là GV đã sẵn sàng thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng.

Cũng theo Th.S Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trường ĐH Sài Gòn, DHTH một cách đồng bộ và có hệ thống sẽ đáp ứng nhiệm vụ của ngành là tới năm 2017, cho việc tổ chức kỳ thi Quốc gia theo hướng tích hợp các môn.Và kinh nghiệm cho thấy nếu ta không chuẩn bị trước thì không thể đáp ứng kịp tình hình. Mỗi GV hiện phải tự tìm hiểu hoặc nhờ GV bộ môn khác phối hợp để có một bài giảng tích hợp, liên môn. Cực hơn cho GV khi SGK chưa đổi, chưa giảm tải. Do đó rất cần những nhà giáo tận tâm với nghề. Cần cả một sự đồng lòng từ hệ thống GV trong từng trường học.

Liên hệ tới thời gian trước đây, vấn đề DHTH không phải là điều gì mới mẻ. Và để được lời khen thực sự xen lẫn sự thán phục từ phía HS, các thế hệ nhà giáo trước đây không những chỉ giỏi về mặt chuyên môn mà còn có khả năng liên kết với các câu chuyện, hiện tượng để minh họa sinh động. Khi ấy, phần nào họ đã thực hiện cái việc gọi là DHTH. Khi ấy, tính hấp dẫn và hiệu quả trong bài giảng của các thầy, cô nằm ở ngay sự đột phá trong chính bản thân mỗi GV. Đó là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng mà DHTH hướng tới.

Huyền Nga
.
.
.