Tiêu chí nào để xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học?
Ngày 25/10 tới, Nghị định 73/2015 của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học sẽ có hiệu lực.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng gồm: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.
Để việc xếp hạng các trường đại học khách quan, cần có một Bộ tiêu chuẩn đánh giá chính xác. |
Các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3.
Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc hạng 1 và 3.
Việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 10 năm và xếp hạng cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 2 năm/lần.
Việc phân tầng được thực hiện theo 2 tiêu chí là trường đại học tự đánh giá và dựa trên những đánh giá ngoài đối với các trường đại học.
Lộ trình cụ thể như sau: Cơ sở giáo dục đại học tiến hành tự đánh giá theo tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định và hướng dẫn thực hiện Nghị định của Bộ GD&ĐT; lập báo cáo tự đánh giá và công bố trên trang thông tin của cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học đăng ký thực hiện phân tầng, xếp hạng với tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; Tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học, báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ quy định. Sau khi thẩm định báo cáo của tổ chức phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT sẽ đệ trình kết quả để Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, việc phân tầng và xếp hạng đối với các trường đại học ở Việt Nam hiện nay là cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế bởi thông qua việc phân tầng, xếp hạng đại học sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học định hướng rõ ràng mục tiêu đào tạo, công khai chất lượng và uy tín của các trường đối với xã hội, đặc biệt là người học.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là hiện Nghị định mới chỉ gợi mở vấn đề mà chưa đưa ra được một bộ tiêu chí cụ thể, chính xác để làm cơ sở để phân tầng, xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Ở nước ngoài, việc phân tầng và xếp hạng các trường đại học phải qua một bộ tiêu chuẩn rất lớn, rất chi tiết với rất nhiều tiêu chí quan trọng thông qua việc tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Trong bộ tiêu chuẩn đó, có nhiều tiêu chí quan trọng được đưa vào như: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỉ lệ sinh viên/giáo viên, chương trình đào tạo, hoạt động xã hội của sinh viên, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội chưa… Trong khi đó, hiện Việt Nam chúng ta chưa làm được điều này.
Đồng quan điểm trên, TS Vũ Viết Bình, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh thêm: Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước nên trước mắt cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, có thể “áp” cho từng trường xem đã đạt được bao nhiêu phần trăm.
Bên cạnh việc các trường tự đánh giá theo bộ tiêu chí, sẽ có các đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục độc lập đánh giá ngoài đối với các trường. Tuy nhiên, trung tâm kiểm định giáo dục phải hoàn toàn nằm độc lập với Bộ GD&ĐT, kiểu như Kiểm toán Nhà nước thì việc xếp hạng, phân loại mới khách quan.