Thiếu trầm trọng trường mầm non tại các khu công nghiệp

Thứ Tư, 25/11/2020, 08:48
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có hơn 6.000 cơ sở giáo dục mầm non ở những địa bàn có khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, trường mầm non công lập ở địa bàn có KCN chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu gửi trẻ; 55,6% số trẻ trong độ tuổi phải gửi vào các nhóm lớp tư thục.

Trong khi đó, nhiều nhóm lớp mầm non tư thục thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là nguy cơ trẻ có thể bị bạo hành do phần lớn những người chăm sóc trẻ tại các cơ sở này chưa qua đào tạo.

Hà Nội hiện có khá nhiều khu công nghiệp, chủ yếu tập trung tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín... Trong khi đó, ở hầu hết các doanh nghiệp, tỷ lệ lao động nữ đều chiếm từ 70% trở lên và phần lớn ở trong độ tuổi từ 18 đến 25...

Thế nhưng, trung bình mỗi địa bàn xã có KCN thường chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập, không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Thêm vào đó, sự biến động không ngừng về số lượng công nhân khiến cho việc dự báo số lượng trẻ mầm non đến trường càng thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học ở khu vực này ngày càng trầm trọng.

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, các nhóm lớp mầm non tư thục mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vì vậy, đây chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ. Mặc dù được làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), KCN có quy mô và hiện đại trên địa bàn Thủ đô song chị Hoàng Thu Thủy và nhiều nữ công nhân tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học cho con.

Địa phương cần ưu tiên quỹ đất xây dựng trường mầm non tại các KCN, khu chế xuất. Ảnh minh họa.

Theo chia sẻ của chị Thủy, muốn gửi con vào trường công lập nhưng không được nhận vì quá tải, gửi ở trường tư thục đạt chuẩn thì đồng lương ít ỏi của công nhân không kham nổi. Không đành lòng gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, vợ chồng chị chấp nhận "rủi ro" gửi con ở các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân tự phát với học phí vừa tầm.

Ðây là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo nhỏ lẻ, chưa được cấp phép, cơ sở vật chất không đạt chuẩn, chế độ chăm sóc, giáo dục trẻ không đạt yêu cầu. Người trông giữ trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm mầm non nên cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn đối với trẻ em, nhất là nguy cơ trẻ bị bạo hành. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, nhiều gia đình công nhân như vợ chồng chị Thủy dường như không có lựa chọn khác.

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết: Tình trạng thiếu chỗ học mầm non diễn ra chủ yếu ở những địa bàn đông dân cư, nơi có KCN và khu chế xuất. Hiện trường mầm non ở địa bàn có KCN chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu gửi trẻ; 55,6% số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều KCN, phần lớn trẻ trong độ tuổi phải trông chờ vào nhóm/lớp mầm non tư thục.

Đơn cử như ở Bắc Giang có 75,5%, Vĩnh Phúc có 79,1%, Bắc Ninh có 97,5%, Đồng Nai có 69,9% trẻ ở KCN phải gửi vào nhóm/lớp tư thục do trường công lập đã quá tải. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, nhiều nhóm lớp mầm non tư thục thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Còn ở trường mầm non công lập ở những khu vực này, tỉ lệ trẻ/lớp cũng vượt quá cao so với quy định. Điều này gây áp lực lên hệ thống trường lớp và đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.

Hiện nay giáo dục mầm non ở các KCN, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở các KCN trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình chuyển động để chính sách đi vào thực tế tại các địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thực tế.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc ưu tiên quỹ đất để xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động tại các KCN đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Các địa phương cần tiếp tục giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu vực có KCN, khu chế xuất; ưu tiên quy hoạch quỹ đất để xã hội hóa, khuyến khích kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo quy mô phát triển, quy hoạch đất dành cho giáo dục để kịp thời đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân. Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường xây dựng hệ thống trường mầm non công lập để đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cũng cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến các nhóm trẻ độc lập, hỗ trợ để các nhóm trẻ đã cấp phép hợp pháp hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu gửi con của người dân khi hệ thống trường công chưa đáp ứng được nhu cầu.

Huyền Thanh
.
.
.