Xét tuyển nguyện vọng bổ sung:

Thí sinh 'loanh quanh' điểm sàn nên cân nhắc kỹ

Thứ Sáu, 28/08/2015, 09:06
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 27/8, cả nước có hơn 100 trường ĐH, CĐ công lập xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, do ở đợt xét tuyển này, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường với 12 nguyện vọng nên tình trạng thí sinh ảo sẽ gia tăng, đòi hỏi thí sinh phải cân nhắc, tính toán kỹ .


Sau khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, hiện vẫn còn nhiều trường đại học khu vực phía Bắc đang thiếu chỉ tiêu. Cụ thể, Trường Đại học Mỏ - Địa chất vẫn còn thiếu gần 2.000 chỉ tiêu, trong đó khoảng 500 chỉ tiêu cao đẳng. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng xét tuyển bổ sung gần 300 chỉ tiêu các ngành Công tác thanh niên, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.
Thí sinh phải biết lượng sức mới có thể đỗ vào ngành mình yêu thích. Ảnh: Thiện Hoàng.

Trường Đại học Điện lực cũng xét tuyển hơn 800 chỉ tiêu, trong đó chủ yếu là hệ cao đẳng. Trường Đại học Thủy lợi cũng xét tuyển bổ sung thêm gần 400 chỉ tiêu tại 3 cơ sở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Học viện Ngân hàng Hà Nội xét tuyển bổ sung 79 chỉ tiêu hệ cao đẳng các ngành Tài chính-Ngân hàng và Kế toán.

Ngoài ra, nhà trường cũng xét tuyển bổ sung khoảng 350 chỉ tiêu hệ đại học, cao đẳng tại cơ sở đào tạo tại Phú Yên. Đại học Nội vụ Hà Nội cũng xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu các ngành Thư ký văn phòng, Dịch vụ pháp lý và Khoa học thư viện. Đại học Thủ đô cũng xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu. Trường Đại học Tài chính-quản trị kinh doanh xét tuyển bổ sung 1.500 chỉ tiêu đào tạo các ngành. Đại học Kinh doanh và Công nghệ xét tuyển bổ sung  hơn 4.000 chỉ tiêu. Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội cũng còn khoảng 150 chỉ tiêu một số ngành còn thiếu.

Trao đổi với PV Báo CAND, TS Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội cho biết: Tại Trường Đại học Thủy Lợi, cơ sở phía Bắc chỉ còn 50 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung dành cho chương trình đào tạo tiên tiến. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, trường đã tiếp nhận đủ số hồ sơ xét tuyển với mức điểm thí sinh đạt được đều trên 20 điểm.

Tương tự, tại Trường Đại học Điện lực, đại diện Phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trong 2 ngày qua khá cao, trong đó, chỉ riêng ngày 26/8, nhà trường đã tiếp nhận gần đủ số hồ sơ xét tuyển bổ sung hệ đại học. Hiện chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung của nhà trường chủ yếu tập trung vào hệ cao đẳng với hơn 600 chỉ tiêu.    Tuy vậy, tại một số trường đại học có số lượng chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung lên tới hàng ngàn, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trong hai ngày qua lại... khiêm tốn.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Chỉ tiêu đào tạo của nhà trường năm 2015 là 5.000, nhưng trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 mới nhận hơn 1.000 hồ sơ nên chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn còn khoảng 4.000. Tuy nhiên, trong 2 ngày đầu tiên của đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, mới chỉ có gần vài trăm thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển. “Thí sinh còn rụt rè trong việc nộp hồ sơ, có thể do thời gian xét tuyển còn dài nên nhiều em còn phải tính toán và cân nhắc” - ông Hóa cho hay.    

Theo quy chế tuyển sinh năm 2015, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có quyền được nộp cùng lúc 3 phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào 3 trường. Bên cạnh đó, thí sinh còn được phép nộp bản photo phiếu đăng ký nguyện vọng bổ sung, mỗi phiếu, thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ gia tăng tình trạng thí sinh “ảo” cho các trường bởi lẽ khi thí sinh nộp một lúc 3 phiếu đăng ký xét tuyển vào 3 trường, nếu thí sinh này đậu cả 3 trường nhưng chỉ được chọn một trường thì tỷ lệ “ảo” là gần 70%, nếu đậu 2 trường thì tỷ lệ “ảo” là 50%... Còn đối với hình thức nộp bản photo, nếu lỡ thí sinh không “trung thực”, nộp một lúc nhiều bản vào nhiều trường khác nhau thì tình trạng ảo còn cao hơn nữa.

Chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung còn nhiều song thí sinh phải biết lượng sức mới có thể đỗ vào ngành mình yêu thích.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS Trịnh Minh Thụ cho rằng: Tình trạng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ gia tăng gấp nhiều lần so với đợt xét tuyển nguyện vọng 1 song không quá gây căng thẳng cho chính thí sinh và nhà trường bởi sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1, hầu hết các trường tốp đầu và tốp giữa đều đã tuyển đủ chỉ tiêu nên việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung chủ yếu tập trung vào các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập và một số ngành không “hot” ở các trường tốp giữa. Trong khi đó, chỉ tiêu ở các trường này hiện rất dồi dào, mặt bằng điểm chuẩn cũng không có nhiều đột biến so với năm 2014 khi đại đa số các trường đều nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15 điểm.

“Với các thí sinh có điểm cao khoảng trên 20 điểm nhưng trượt ở các trường tốp đầu và tốp giữa, cửa để trúng tuyển nguyện vọng bổ sung là vô cùng rộng mở. Vấn đề cần lưu ý chủ yếu tập trung  vào các thí sinh loanh quanh mức điểm sàn, khoảng từ 15-16 điểm. Với mức điểm này các em cần phải tính toán thật kỹ mới có cơ hội trúng tuyển vào các ngành phù hợp vì số lượng thí sinh đạt mức điểm này rất nhiều, trong khi chỉ tiêu của một số ngành mà các em yêu thích thì có hạn” - ông Thụ cho biết.

Cũng theo TS Trịnh Minh Thụ, “bên cạnh việc cân nhắc điểm số để “liệu cơm gắp mắm” thì thí sinh cũng cần chú ý thêm đến vấn đề hướng nghiệp. Có nhiều ngành hiện nay có vẻ không “hot” nhưng dễ tìm việc làm khi tốt nghiệp và đang rất cần cho nền kinh tế đất nước. Nếu vào học các ngành này, thí sinh sẽ không phải lo tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường”-ông Thụ đưa ra lời khuyên.

Huyền Thanh
.
.
.