Thi THPT quốc gia: Mỗi giảng viên đại học sẽ “kèm” một giáo viên phổ thông

Thứ Năm, 11/05/2017, 07:56
Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017, mỗi tỉnh, thành phố sẽ tổ chức một cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ cử cán bộ, giảng viên từ các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.



Việc giao kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cho các địa phương tổ chức là một bước cải tiến so với năm 2016 song nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra và sự giám sát của xã hội để kỳ thi diễn ra khách quan, công bằng.

Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh cũng như giao quyền tự chủ cho các Sở GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh theo hướng chỉ còn một loại cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức. Theo Bộ GD&ĐT, dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước song vai trò của các trường ĐH vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỷ lệ 1-1, tức là 1 giảng viên trường ĐH sẽ “kèm” một giáo viên THPT của địa phương.

Với cách thức bố trí như vậy, theo tính toán của các chuyên gia tuyển sinh, nếu số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là gần 1 triệu thì với quy tắc 24 thí sinh/phòng thi, dự kiến có sẽ khoảng 42 nghìn giảng viên ĐH sẽ được huy động tham gia coi thi.

Tăng cường thanh kiểm tra và giám sát của xã hội để kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra khách quan, công bằng. Ảnh minh họa.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội cho biết: Năm 2017, do việc tổ chức thi THPT quốc gia được giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH chỉ tham gia với vai trò phối hợp nên số lượng giảng viên của trường được điều động về các địa phương coi thi có giảm so với năm 2016.

Trước nghi ngại của xã hội về việc giao kỳ thi THPT quốc gia cho các địa phương chủ trì liệu có đảm bảo tính khách quan, công bằng, khi kỳ thi là “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp, vừa sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH, ông Thụ cho rằng: Lo ngại trên không hoàn toàn là vô căn cứ. Do vậy, để đảm bảo khách quan, công bằng giữa các cụm thi, Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh kiểm tra; đẩy mạnh giám sát xã hội đối với kỳ thi, đặc biệt là sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội lại cho rằng: Lo ngại trên phần lớn xuất phát từ yếu tố tâm lý và có tính lịch sử. “Đúng là trước đây, việc tổ chức thi tốt nghiệp tại các địa phương còn có phần lộn xộn khiến xã hội nghi ngại về tính khách quan của kỳ thi. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khi kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” được tổ chức với sự phối hợp chặt chẽ của các trường ĐH, công tác coi thi diễn ra tương đối quy củ và khách quan, trong đó, nhận thức của xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh đã thay đổi.

Trong các phòng thi, do tính cạnh tranh cao nên ý thức tự giác và sự giám sát của thí sinh đều rất tốt. Đơn cử như trong năm 2016, khi trường ĐH Kinh tế quốc dân chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang tổ chức thi THPT, trong số các thí sinh bị kỷ luật thi, có rất nhiều trường hợp là do thí sinh trong cùng phòng thi phát hiện.

Ngoài ra, ông Triệu cũng cho biết, việc quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 quy định mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng cũng được xem là giải pháp kỹ thuật tốt nhằm chống gian lận trong thi cử. Với cách làm này, thí sinh trong phòng thi nhìn bài hay chép bài của nhau sẽ rất khó xảy ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Hiện công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại các địa phương đã sẵn sàng. Trong đó, về công tác nhập dữ liệu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH diễn ra trong tháng 4 vừa qua, các địa phương đã làm rất tốt. Ban đầu, Bộ lo lắng nhập liệu có thể chệch choạc vì nhiều địa phương có số thí sinh đăng ký rất đông. Nhưng các địa phương đều làm việc rất chuẩn, đạt đúng kế hoạch đặt ra.

Về công tác coi thi, vốn là khâu được dư luận xã hội quan tâm, ông Ga cho rằng: Năm nay, dù việc tổ chức thi THPT quốc gia được giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì song để đảm bảo khách quan, công bằng, Bộ GD&ĐT đã cử các trường ĐH có uy tín về hỗ trợ, các trường ĐH tại địa phương cũng sẽ cùng với các Sở GD&DT địa phương trong công tác tổ chức.

“Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng và bài thi sẽ được chấm bằng máy cũng sẽ hạn chế tối đa việc các địa phương can thiệp làm sai lệch kết quả kỳ thi. Ngoài ra, ở mỗi phòng thi sẽ có một giảng viên ĐH có kinh nghiệm để hỗ trợ giám thị trường THPT làm tốt việc chống gian lận ở phòng thi. Tuy vậy, một số địa phương băn khoăn, lo lắng là việc đảm bảo về nơi ăn chốn ở cho các giảng viên ĐH và khâu tập huấn để tăng kinh nghiệm trong việc chống gian lận thi cử, nhất là với các loại phương tiện kỹ thuật cao”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.