Tăng dân số cơ học tiếp tục ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục phổ thông

Thứ Năm, 16/07/2020, 10:34
Áp lực của việc tăng dân số cơ học khiến ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh (HS) phát triển toàn diện luôn là vấn đề được lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đặt ra vào đầu những năm học mới. Trong đó, vấn đề cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp vẫn là vấn đề nan giải hàng năm của ngành.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2020- 2021 dự kiến thành phố sẽ tăng khoảng 54.645 HS, gồm 48.045 HS khối công lập và 6.600 HS ngoài công lập. 

Theo đó, mầm non sẽ tăng 3.666 HS; khối tiểu học tăng 8.989 HS; khối trung học cơ sở (THCS) tăng 27.950 HS và khối trung học phổ thông (THPT) tăng 14.038 HS. Nhìn chung, số HS năm học 2020-2021 tăng nhiều ở cấp THCS, tập trung tại các quận: 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức và Bình Tân. Ngoài ra, tại các huyện đang trong giai đoạn đô thị hoá nhanh như: Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Trong năm học 2020- 2021, học sinh thành phố sẽ tăng khoảng 54.645 em.

Sở GD&ĐT TP cho biết, năm học 2019-2020 số HS không có hộ khẩu tại thành phố là 377.769 HS. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học); học sinh tham gia học 2 buổi/ngày lại giảm đi.  Ngoài ra, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại gây ảnh hưởng tới các lớp đang học. Việc tăng số HS dẫn tới nhu cầu về tăng sĩ số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế cũng là nguyên nhân làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố cho ngành giáo dục.

Nhiều năm qua, vấn đề tăng sĩ số trên một lớp học, vượt chuẩn về sĩ số vẫn chưa thể giải quyết. Nhiều trường phổ thông vẫn có tình trạng duy trì sĩ số 45-50 em/lớp, phần nào gây hạn chế trong công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Trong khi đó, công tác trường lớp, CSVC chuẩn bị cho năm học mới cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa thể giải quyết.

Được biết, dự kiến số phòng học đưa vào sử dụng trong năm học tới đây có 90 dự án với 1.371 phòng học mới. Trong đó có số phòng học tăng thêm là 868 phòng với tổng mức đầu tư trên 4.575 tỷ đồng. Trong đó, vào dịp ngày khai giảng năm học 2020-2021 dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 73 dự án với 1.142 phòng học mới. 

So với năm học 2019-2020, đã tăng thêm 699 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 3.887 tỷ đồng. Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học là: Mầm non là 326 phòng học (tăng 195 phòng); Tiểu học là 352 phòng học (tăng thêm 186 phòng); THCS là 293 phòng (tăng 201 phòng) và THPT có 98 phòng học (tăng thêm 63 phòng.).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho hay, những năm gần đây, tính trung bình, mỗi năm thành phố xây thêm gần 1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số trên không giải quyết được vấn đề với số HS tăng cao “chóng mặt”. Và áp lực từ việc mỗi năm có hàng trăm ngàn HS không có hộ khẩu khiến sĩ số lớp học không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra, tỷ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày là  điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, vẫn phải giảm.

Sở GD&ĐT TP cũng dự kiến đưa vào sử dụng 17 dự án (từ sau thời điểm ngày khai giảng 5-9 tới đây) với 229 phòng học mới. 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố có số HS gia tăng cao nhất sẽ được chú trọng tăng cường thêm các phòng học. 

Cụ thể, quận 7 có 64 phòng học mới đưa vào sử dụng; quận 9 tăng cường 40 phòng học cho khối tiểu học và THCS, THPT; quận Bình Tân đưa vào sử dụng 72 phòng học cho tiểu học và THCS; quận Thủ Đức với 67 phòng học mới đưa vào sử dụng trong năm 2020 cho khối mầm non và tiểu học. Địa phương được tăng cường phòng học nhiều nhất là huyện Bình Chánh với 212 phòng học mới được đưa vào sử dụng; tiếp đó là Hóc Môn với 223 phòng và huyện Củ Chi là 98 phòng...

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2020-2021, thành phố đảm bảo 100% con em học sinh sống trên địa bàn kể cả trường hợp không có hộ khẩu thành phố vẫn có đủ chỗ học. Để đảm bảo mục tiêu đến năm học 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 tới 18 tuổi), Sở GD&ĐT đã rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đã có 832 dự án, qui mô là 15.940 phòng học, tổng kinh phí là gần 70.000 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo chung của UBND thành phố, các quận, huyện tiếp tục ban hành các kế hoạch huy động trẻ đến lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từ năm học 2020-2021 theo từng địa phương.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các phòng giáo dục địa phương cùng phối hợp ban ngành lưu ý đảm bảo đủ chỗ học cho các em HS, đặc biệt là gia đình nghèo, công nhân; thực hiện tốt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học. Đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết thêm, năm học mới 2020-2021, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, khắc phục những hạn chế mà xã hội quan tâm. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, tăng cường an ninh, an toàn trường học. Đặc biệt là chú trọng trong công tác giáo dục thể chất, y tế trường học, xây dựng chương trình văn hoá học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, và kỹ năng sống cho HS.

H.Nga
.
.
.