Sử dụng “phần bánh” ngân sách hợp lý để nâng lương giáo viên
Đột phá cho ngành Giáo dục
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, đại diện cho khối giáo dục phổ thông của 15 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đều đồng tình với vấn đề nâng lương cho GV là điều không thể không làm và phấn khởi cho rằng, nếu điều bổ sung này của dự thảo thực thi sẽ mang tính đột phá cho ngành sư phạm. Các ý kiến đưa ra cũng mang đậm hơi thở của ngành, tâm tư của những người làm nghề giáo.
Thầy Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng THPT Long Thành (Đồng Nai) cho rằng, lương GV được tăng là vấn đề mong chờ, ao ước bấy lâu của những người làm nghề giáo. Việc nâng lương GV chắc chắn sẽ tạo động lực cho GV. Tuy nhiên, theo thầy Long, nên bàn giải pháp thế nào để không ảnh hưởng tới việc thiếu hụt ngân sách. Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều vụ việc bạo hành trẻ em trong nhóm nhà trẻ, tư thục xảy ra đau lòng, đã nổi lên vấn đề, cần có hỗ trợ cho nhóm tư thục, dân lập.
Ngoài ra cũng nên thu hút người tài vào ngành sư phạm. Đợt tuyển sinh vừa qua, điểm tuyển vào trường sư phạm đang ngày càng thấp, chứng tỏ thí sinh không thích vào ngành sư phạm nữa. Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, thầy Long cũng kiến nghị nên áp dụng việc thi tuyển công chức với cả Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường phổ thông để nâng tầm tính chịu trách nhiệm với công việc và vì sự phát triển của ngành.
Được hưởng mức lương tương xứng sẽ khích lệ giáo viên yêu ngành, yêu nghề. |
Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: "Nâng lương cho GV là điều mà chúng tôi mong chờ từng ngày. Thực tế, hiện, GV mầm non nhiều người đã có bằng CĐ, ĐH nhưng khi vào làm việc cũng chỉ được xếp lương ở mức trung cấp nên rất khó tuyển GV.
Hiện nay những trường lớn, trường điểm của thành phố mới tuyển được, còn trường mầm non cấp quận, huyện rất khó tuyển. Đề nghị nâng chuẩn trình độ GV mầm non lên cao đẳng. Thứ nữa, khi nâng lương cho GV, cần xem xét với những người khi được thuyên chuyển lên làm công tác quản lý, ví như lên Phòng Giáo dục, rõ ràng "lên chức" nhưng lại mất đi một nửa thu nhập vì không được phụ cấp thâm niên. Đây là điều vô lý. Lên chức làm quản lý nhưng chẳng ai thích và cũng không vui gì!
Vấn đề nâng lương GV trong Luật Giáo dục sửa đổi, cần đề nghị quan tâm tới cán bộ phòng, sở giáo dục để được hưởng thâm niên, nếu không nhiều người có khả năng quản lý giỏi, khi được đưa lên sở, phòng thì đều từ chối”.
Thầy Đoàn Thành Dân, đại diện cho Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đề đạt: "Cán bộ GD tại Tây Nguyên có nhiều người là người dân tộc. Vì vậy, trong Luật GD sửa đổi nếu đề cập về chế độ cho GV cũng nên linh hoạt thêm vấn đề các vùng miền. Và mở rộng thêm đối tượng cho GV vùng miền sâu, vùng xa. Ngoài tiền lương thu hút người tài, có thể xem xét ra qui định hỗ trợ, sau khi tốt nghiệp giáo sinh là người dân tộc sẽ được bố trí việc ngay, giống như trong ngành Công an nhằm tạo tính đột phá thu hút thí sinh theo nghề nhà giáo".
Sử dụng "phần bánh" ngân sách hợp lý
TS Thái Thị Tuyết Dung, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, khởi điểm lương của GV là quá thấp nên không thu hút được người tài. Chính sách nâng lương cho GV là phù hợp. Thời gian tới, trong khối ĐH công lập chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính; tinh giản số lượng GV trong cơ sở giáo dục, cấu trúc lại nguồn nhân sự là bài toán các đơn vị đang phải làm. Nhưng quan trọng là tăng lương cho nhóm GV nào trước chứ không phải tăng đồng loạt hết ngay. Ưu tiên tăng trong nhóm GV nào trước thì sau khi xem xét, thu nhận ý kiến từ các chuyên gia, dư luận xã hội, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ cho một thông tư hướng dẫn cụ thể.
PGS, TS Hoàng Thị Thuý Nguyệt, đại diện cho Học viện Tài chính phát biểu: "Bản thân tôi là một nhà giáo. Hàng chục năm nay, tôi trăn trở về việc làm sao lương GV được tăng lên. GV khi đứng trên bục giảng chỉ hy vọng, tầng lớp kế tục đảm đương được sự nghiệp, học trò thành đạt hay không từ ngay bậc học mầm non. Do vậy, ngay từ bậc này, phải có một mức lương hợp lý để người GV an tâm, chỉ tập trung vào việc "dạy người". Nhưng nguồn ở đâu? bội chi và nợ công của ta từ 2016 tới 2020 được Quốc hội "khống chế". Nên, một điều thường diễn ra là, chưa tăng lương ta đã thấy tăng giá.
Quốc hội ta cho phép tới năm 2020, nợ công chỉ được phép 65% GDP thôi. Bội chi chỉ được phép là 3,5% GDP. Vì lý do "trần" bị khống chế trên, Bộ Tài chính phải "cân đong, đo, đếm" lại ngân sách để chi cho các ngành, lĩnh vực. Để xử lý bài toán này, chỉ dành 20% nguồn chi ngân sách cho giáo dục, cả đào tạo - dạy nghề. Có nghĩa là 1/5 "cái bánh" ngân sách dành cho vấn đề giáo dục. Vấn đề là ngành Giáo dục phải sử dụng hợp lý “phần bánh” ngân sách này và phải chứng minh với dư luận, xã hội".
Theo PGS Hoàng Thị Thuý Nguyệt, bài toán nâng lương cho GV được giải quyết do ngành tự vận hành, tự thay đổi. Trong đó, những nhà quản lý tài chính cần tính tới việc chuyển nguồn lực từ giáo dục bậc cao sang giáo dục bậc thấp. Tiền (nguồn lực - PV) từ giáo dục cấp cao chuyển cho giáo dục cấp thấp, dành tiền giáo dục ĐH cho giáo dục cơ sở. Nhà nước vẫn chi cho giáo dục ĐH nhưng sẽ thay đổi cách cấp tiền. Thứ nữa, vị trí làm việc mới quyết định việc hưởng lương của GV chứ không phải là ngạch bậc lương. Phải thay đổi tư duy, vị trí nào, thu nhập đó.
Ví dụ, để làm được hiệu trưởng phải có năng lực và năng lực đó được trả tiền công xứng đáng chứ không phải thâm niên đứng lớp. Lương sẽ thay đổi theo vị trí việc làm chứ không phải theo bằng cấp. Trong đó, việc tinh gọn bộ máy là điều không thể không làm. Nhân sự qua tinh giản, có chất lượng thì nâng lương mới hợp lý mà Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và cụ thể hoá bằng thông tư văn bản hướng dẫn phù hợp.