Công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm: Số liệu có tin cậy?
Việc này được đánh giá là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn về độ tin cậy của tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mà các trường công bố.
Bộ GD&ĐT vừa chính thức thông qua thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Như vậy, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đã chính thức được áp dụng làm một trong các căn cứ tăng chỉ tiêu tuyển sinh bắt đầu từ năm 2019.
Đây là một sự điều chỉnh được dư luận xã hội đánh giá cao bởi việc công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm chính là sự thể hiện cam kết chất lượng của nhà trường đối với người học. Tuy vậy, nhìn vào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng mà một số trường đại học công bố trong năm 2018, nhiều người chưa thấy yên tâm về những con số này đang có độ “vênh” nhất định đối với một số kết quả thống kê khác của Bộ LĐ-TB&XH.
Trong đó, nhóm các trường ĐH vùng, đại học địa phương như: ĐH Tây Bắc, ĐH Hồng Đức, ĐH Điều dưỡng Nam Định; ĐH Hà Tĩnh, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng dao động từ khoảng 49,9% đến 61%.
Các trường có tỷ lệ cao trên 95% gồm ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội 95,43%; Học viện Tài chính 96,51%; Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh 96,74%; Đại học Ngoại thương 96,61%; ĐH Thương mại 96%; ĐH Giao thông vận tải 96,66%; ĐH Tôn Đức Thắng 96,68%; ĐH Công nghệ 95,45%.
Nhóm các trường có tỷ lệ trên 90% gồm Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh 90,24%; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội 92,90%; Đại học Hà Nội 93,38%; ĐH Kinh doanh và Công nghệ 92,32%; ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh; ĐH Bách Khoa Hà Nội 90,49%. Nhóm dưới 90% gồm các trường ĐH Y Hà Nội 89,98%; ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh 89%; Học viện Bưu chính Viễn thông 86,97%, ĐH Luật Hà Nội 63,61%...
Ảnh minh họa: Sinh viên tham gia dự tuyển tại Ngày hội tìm kiếm việc làm. |
Lãnh đạo một trường đại học công lập trên địa bàn Hà Nội cho biết: Nhìn vào kết quả thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm mà một số trường đưa ra cho thấy đang có độ “vênh” so với thực tế.
Không loại trừ trường hợp có một số trường đẩy tỷ lệ sinh viên có việc làm lên cao hơn nhằm phục vụ mục tiêu thu hút học sinh vào trường và nới chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên có thể phần lớn do cách khảo sát của các trường chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy.
Chẳng hạn số mẫu khảo sát là bao nhiêu, tỉ lệ làm đúng ngành là bao nhiêu, làm trái ngành, bán thời gian có được gọi là có việc làm hay không? Trường có vài ngàn sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ khảo sát vài trăm người, từ đó đưa ra kết quả cho toàn khóa là chưa chính xác. Chưa kể nếu trường có ý định gian dối, mẫu khảo sát của họ cũng được chọn lọc chứ không hẳn là ngẫu nhiên.
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hiện nay đa phần các trường đều khảo sát dựa trên số liệu từ các Hội cựu sinh viên của trường cung cấp nên có thể thông số cuối cùng đưa ra chưa đầy đủ và chính xác. Trong khi đó, để có kết quả chuẩn, phải khảo sát toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp”- vị lãnh đạo này cho biết.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, GS Lâm Quang Thiệp, một trong những chuyên gia hàng đầu về kiểm định và khảo thí cho rằng: Kết quả sinh viên có việc làm sau khi ra trường là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động.
Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các trường, nhưng Bộ GDĐT cũng phải có trách nhiệm kiểm chứng kết quả những con số mà các trường đưa ra.
Cũng theo GS Lâm Quang Thiệp, để việc công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm trở nên thực chất, là động lực để các trường nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thị trường lao động và thể hiện trách nhiệm đối với người học, Bộ GD&ĐT cần đưa tiêu chí này vào nội dung để kiểm định, ngang bằng với các tiêu chí khác về cơ sở vật chất hay đội ngũ giảng viên.
Việc kiểm định này giao cho các trung tâm kiểm định độc lập tiến hành khảo sát bằng các công cụ đo lường khoa học, chứ không thể để các trường tự khảo sát, tự điều tra rồi tự công bố. Thực tế cho thấy, dư luận xã hội và phụ huynh có nhu cầu được biết những thông tin trung thực, những con số chính xác do các trường ĐH cung cấp để tham khảo, để hướng nghề nghiệp vào đời cho con em họ, chứ họ không cần những con số đẹp chỉ có lợi cho việc tuyển sinh của các trường.