Sách giáo khoa ngoại ngữ còn thiếu vắng “bản sắc Việt Nam”

Thứ Năm, 18/12/2014, 10:45
Trong hai ngày 16, 17/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về bộ tiêu chí đánh giá, thẩm định sách giáo khoa (SGK) ngoại ngữ, với sự tham dự của 45 Sở GD&ĐT, 5 trường đại học, 3 nhà xuất bản và nhiều giảng viên, giáo viên, chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Mặc dù đây là hội thảo về bộ tiêu chí đánh giá SGK ngoại ngữ, nhưng đã gợi nhiều vấn đề về chất lượng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong nhà trường phổ thông với câu hỏi: Vì sao học sinh của chúng ta nói tiếng Anh kém? Bao giờ tiếng Anh mới trở thành ngôn ngữ phổ biến ở Việt Nam?

Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội trăn trở: Có ba yếu tố tạo nên sự thành công trong dạy và học ngoại ngữ, đó là một giáo trình tốt, một người thầy giỏi và một học trò biết cách học. Trong hơn 30 năm qua, chúng ta đầu tư phát triển tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc. Trong các trường công lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam đã tập hợp một đội ngũ chuyên gia Việt Nam để xây dựng một bộ giáo trình từ lớp 3 đến lớp 12. Và năm 1990, bộ sách này được đưa vào các trường phổ thông, đặt đường ray đầu tiên cho việc dạy tiếng Anh ở phổ thông. Nhưng vì “làm dâu thiên hạ” nên bộ sách này nhận được nhiều ý kiến, có ý kiến xây dựng, chính xác, có ý kiến không hợp lý. Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ dường như chúng ta còn thiếu một khâu nào đó trong việc dạy và học tiếng Anh?

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, khu vực ngoài công lập là một “chùm khế ngọt” cho nhiều nhà xuất bản “trèo hái mỗi ngày”, đặc biệt ở cấp tiểu học. Giáo trình tiếng Anh tràn vào các cơ sở đào tạo. Những giáo trình này đều là những giáo trình gốc của nước ngoài, chủ yếu của các nhà xuất bản Anh, Mỹ. Nhiều năm gần đây lại thêm nhiều khối liên kết do yêu cầu của phụ huynh muốn con em mình được học giáo trình Tây, thầy Tây. Nhưng cuối cùng, nhiều phụ huynh lại than rằng, đầu tư nhiều tiền, giáo trình hoành tráng, chính thống từ Tây mang về, sao con em họ vẫn không nói được tiếng Anh như mong muốn?

Các em học sinh đang chờ đợi bộ SGK tiếng Anh hấp dẫn, khoa học, nhiều hình ảnh về đất nước, quê hương.

Hiện nay, về SGK tiếng Anh ở cấp tiểu học đã có sách đến lớp 5, THCS có sách đến lớp 8 và THPT có sách đến lớp 11. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã bày tỏ quan điểm, thay SGK lần này phải học hỏi nước ngoài nhiều vì kinh nghiệm xương máu trong quá khứ, là học sinh của chúng ta học tiếng Anh rất nhiều, nhưng không sử dụng được. Có thể tham khảo ngay khung năng lực ngoại ngữ của châu Âu. Nhưng “thực thi” không phải dễ vì hiện chúng ta chưa có tiêu chí thống nhất để đánh giá SGK ngoại ngữ. Tiêu chí này còn có ý nghĩa tạo sự bình đẳng, tức là tiêu chí phải được xây dựng một cách dễ hiểu, không gây ra cách hiểu khác nhau. Có tiêu chí thì việc thẩm định, đánh giá SGK sẽ dễ cho người dạy, người học. Tiêu chí sẽ quyết định đến cách viết SGK. Đi kèm với SGK phải có thiết bị, công cụ hỗ trợ. Có thể “Việt hóa” SGK ngoại ngữ của nước ngoài, hoặc “Anh hóa” SGK ngoại ngữ của Việt Nam đã có sẵn…

Tại hội thảo, rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo đã đóng góp ý kiến vào bộ tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đưa ra với kỳ vọng sẽ giúp cho con em chúng ta có được bộ SGK ngoại ngữ tốt nhất. GS.TS Hoàng Văn Vân, ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất, SGK ngoại ngữ cũng là một phần của giáo dục Việt Nam nên nó phải phục vụ cho đường lối, chính sách giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Vì thế, SGK ngoại ngữ phải “có tính dân tộc, tính Việt Nam” (phải giới thiệu được cho học sinh những nét văn hóa cơ bản, những phong tục, tập quán của các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, để học sinh học tiếng Anh trở thành những người “song ngữ”, “giao tiếp liên văn hóa”… Thêm nữa, GS Vân còn cho hay, chủ trương dạy ngoại ngữ của Việt Nam bắt đầu dạy từ lớp 3 cho đến lớp 12, do đó SGK phải đảm bảo tính liên tục của 10 năm liền để sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh phải đạt trình độ bậc 3 theo khung 6 bậc của Bộ GD&ĐT hay trình độ B1 khung tham chiếu chung châu Âu…

Thu Phương
.
.
.