Những người “lái đò” đưa con chữ qua sông
Rốn lũ Quan Hóa (Thanh Hóa) sau 3 tháng xảy ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử, cuộc sống của người dân đã khôi phục. Những ngôi trường hư hỏng, đổ sập đã được sửa chữa và đang xây mới, trẻ em đều đến trường dù ở những bản xa xôi nhất bị chia cắt bởi nước lũ. Nhưng ít ai biết rằng, để mang con chữ đến cho trẻ em vùng cao nơi rốn lũ đi qua, những thầy cô giáo ở đây phải trèo đèo, vượt sông gian khổ thế nào. Khi cả nước đang tổ chức nhiều chương trình tri ân các nhà giáo thì ở nhiều bản xa xôi của Quan Hóa, giáo viên “cắm bản” vẫn còn ở trên các triền núi cao, chưa từng được học trò chúc mừng Ngày Nhà giáo.
Vượt sông Mã đi dạy học
Sáng nào cũng vậy, hơn 6h là các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Phú Xuân (xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa) đã có mặt ở bến đò để chuẩn bị vượt sông Mã sang bên kia dạy học. Cô giáo Hà Thị Muôn (giáo viên lớp 5) ở điểm trường bản Phé cho biết, trận lũ lịch sử vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm nay đã đánh sập cầu treo Phú Xuân khiến 3 bản bên kia sông Mã bị chia cắt. Không còn đường sang trường, 80 học sinh ở 3 bản đành phải ở lại bên kia sông.
Nếu để các em đi đò sang đây học thì rất nguy hiểm, nhà trường đã cử 5 giáo viên văn hóa và 3 giáo viên môn phụ sang đó dạy học. Để tiện cho việc học, nhà trường đã gom học sinh của 3 bản vào một điểm trường bản Phé.
Nhà cô Muôn ở xã Hồi Xuân cách bến đò hơn 10km, sáng thứ hai đầu tuần cô có mặt ở đây để vượt sông sang bản. Vì nhà mẹ đẻ cô Xuân ở bản Phé nên cô ở lại đến cuối tuần mới về, còn các giáo viên khác thì sáng đi tối về. Những ngày trời mưa, nước sông Mã dâng cao, dòng sông đục ngầu phù sa, con thuyền chòng chành nguy hiểm.
Các giáo viên của Trường Tiểu học Phú Xuân đi đò qua sông Mã để sang bản Phé gieo chữ. |
“Trước đây các thầy cô phải qua sông bằng đò, nhưng huyện đã cấp cho xã một thuyền máy có đăng ký, đăng kiểm, người lái có chứng chỉ nên cũng bớt lo” - thầy Hàn Thế Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xuân cho biết. Thế nhưng, những ngày mưa việc qua sông cũng không tránh khỏi nguy hiểm. Các cô phải khoác áo mưa, bên ngoài là áo phao qua sông. Sang tới bờ thì đường vào bản là đường đất lầy lội, đi bộ tới điểm trường quần áo, giày dép của thầy cô đều bị bùn đất vấy bẩn.
Hơn 20 năm làm nghề giáo, cô Muôn nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi. Tuy sức khỏe không được tốt, nhưng khi được cử vào điểm trường bản Phé dạy học, cô Muôn rất nhiệt tình. Học sinh và phụ huynh biết cô giáo đến tận bản thì vui lắm.
Cùng với cô Muôn còn có cô Hà Thị Lý, giáo viên lớp 3 cũng có thâm niên gần 20 năm dạy học. Nhà cô Lý cách trường 17km, sáng nào cô cũng đi từ rất sớm ra bến đò, tối muộn mới về đến nhà. Theo các cô tâm sự thì những ngày đầu ngồi đò sang bên kia sông Mã dạy học, họ đều rất lo. Bởi khi đó lũ vừa đi qua, nước sông Mã vẫn chảy cuồn cuộn. Các cô đều là những giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề nên được nhà trường chọn sang dạy điểm trường. Ngày ngày những chuyến đò chở thầy, cô giáo sang sông dạy học, đem cái chữ đến cho các em.
Đón ngày vui ở nơi nhà lán tạm
Ngày 19-11, 4 xã bị thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ ở huyện Quan Hóa tổ chức các hoạt động mít tinh chào mừng kỷ niệm ngày 20-11. Cả 3 cấp đều tổ chức mít tinh chung ở xã, nhưng nhiều giáo viên “cắm bản” ở huyện Quan Hóa đã không về được. Họ còn ở trên các sườn núi cao, nơi có những điểm trường để dạy học.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Trần Văn Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Sơn cho biết, cả trường có 7 giáo viên đang “cắm bản”, trong đó có 2 nữ giáo viên trẻ xung phong đi bản xa nhất là bản Bước, cách trung tâm xã 12km. Bản này bị chia cắt sau lũ, đến nay đã san gạt nhưng chỉ đi xe máy được nửa đường, còn lại phải đi bộ. Bản vẫn chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại nhưng hai nữ giáo viên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đem cái chữ đến cho các em.
Thậm chí, cô giáo Hà Thị Hậu con nhỏ mới 10 tháng đã đưa con theo, mẹ chồng cô Hậu cũng vào cùng để trông cháu cho con dâu đi dạy học. Ngày Hiến chương các nhà giáo, nhiều giáo viên “cắm bản” không về trường chung vui ngày kỷ niệm cũng vì điều kiện xa xôi.
Suốt 3 tháng qua, thầy trò Trường Tiểu học Trung Sơn, huyện Quan Hóa phải học trong các lán mượn tạm của công nhân Công ty 47 xây dựng Nhà máy thủy điện Trung Sơn. Sau trận lũ, ngôi trường nhiều năm tuổi nằm ở bản Co Me đã bị xóa sổ. Vì bản Co Me phải khẩn cấp di dời nên Trường Tiểu học Trung Sơn mới đang được xây dựng ở một nơi khác, nằm bên kia sông Mã.
Thầy Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn cho biết, trường có 33 giáo viên thì chỉ có 3 thầy cô giáo có gia đình ở xã Trung Sơn, còn lại nhà đều cách xa trường vài chục km đến 200km. Các thầy cô đều mượn nhà lán tạm của công nhân để ở. Mỗi gian nhà mái tôn ở ghép vài thầy cô, họ vừa ở vừa là phòng làm việc, vừa là kho chứa đồ.
Khó khăn chồng chất là thế, dù không có trường học nhưng nhà trường vẫn phát động các lớp tổ chức giao lưu chương trình văn nghệ, hỗ trợ giáo viên may đồng phục… Theo dự kiến, Trường Tiểu học Trung Sơn mới sẽ khánh thành vào đầu năm 2019 với 16 phòng học, đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.
20-11 là dịp để thế hệ học trò tri ân thầy cô giáo, nhưng khi viết bài báo này, tôi được biết, có rất nhiều giáo viên “cắm bản” đã không được đón mừng Ngày Nhà giáo trong niềm vui như hàng triệu nhà giáo trên cả nước.
Hai cô giáo “cắm bản” ở bản Bước, xã Thành Sơn chỉ tưởng niệm Ngày Nhà giáo trong tim, bởi học trò ở đây không biết tới ngày 20-11, họ lại ở nơi không có điện lưới, không sóng điện thoại, mọi lời chúc mừng của bạn bè, người thân chỉ khi nào ra khỏi bản thì mới nhận được. Dù không thể so sánh với giáo viên ở thành phố, nhưng những đóng góp và hy sinh của họ cho sự nghiệp trồng người ở nơi xa xôi của đất nước là điều cao cả đáng được chúng ta tôn vinh và ngợi ca.