Nhiều bộ sách giáo khoa - việc kiểm tra đánh giá sẽ thế nào?
- Công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1
- Nhiều băn khoăn về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa mới
Theo danh mục SGK lớp 1 với 5 bộ sách gồm 32 cuốn vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt, môn Tiếng Việt có tổng số 5 cuốn SGK (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh). SGK Toán có 5 cuốn (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm).
SGK Đạo đức có 5 cuốn (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh). Tự nhiên và Xã hội 1 có 3 cuốn (2 cuốn NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm). Âm nhạc có 5 cuốn (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).
Mỹ thuật có 5 cuốn (4 cuốn NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn NXB Đại học Sư phạm). Hoạt động trải nghiệm có 3 cuốn (2 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Như vậy, về nguyên tắc, tất cả các SGK trong danh mục này đều được phép sử dụng trong nhà trường. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện của từng vùng, miền hoàn toàn có thể chọn SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở các bộ SGK khác nhau đã được phê duyệt.
Điều này sẽ giúp giáo viên và học sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn SGK phù hợp hơn với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Tuy vậy, khi sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau, việc kiểm tra, đánh giá sẽ thế nào đã và đang là vấn đề được dư luận xã hội rất quan. Đặc biệt, việc học sinh chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác có gặp khó khăn gì không khi các tỉnh lựa chọn những bộ SGK khác nhau để dạy học trong nhà trường?
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới. Ảnh minh họa |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách” thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành.
Chương trình mới sẽ yêu cầu “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”. Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn SGK nào. Thầy cô, học sinh sẽ yên tâm và dần dần quen với việc tài liệu SGK để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn”.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, khi chúng ta dạy một chương trình nhiều bộ SGK thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất. Vì vậy, việc học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.
“Tôi vẫn hay ví von thế này, ở Việt Nam chúng ta ăn cơm, còn sang nước ngoài thì ăn bánh mì. Chúng ta vẫn cứ lớn lên và vẫn khỏe mạnh như vậy. Cho nên cái lõi của việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” là bám sát chương trình học”- ông Thành nhấn mạnh.
Thông tin thêm về lộ trình tiếp theo sau khi Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách trong danh mục SGK đã được Bộ ký thông qua ngày 21-11.
Việc thành lập hội đồng, lựa chọn SGK và các bước làm việc tiếp theo của hội đồng được BộGD&ĐTquy định trong thông tư lựa chọn SGK. Thông tư này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trên mạng vào cuối tháng 11-2019 và dự kiến công bố vào cuối tháng 12-2019. Từ tháng 3 đến tháng 5-2020, Sở GD&ĐT cùng các nhà xuất bản sẽ tổ chức tập huấn sử dụng SGK mới cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.