Người thầy gieo chữ trên đất rừng biên cương

Thứ Bảy, 14/11/2015, 14:44
Từ nhỏ đã chứng kiến bao khổ cực của đồng bào biên giới khi bị “đói chữ” nên Bơlong Điếp đã gắng sức học tập. Sau khi hoàn thành đại học, với tấm bằng loại ưu, nhiều trường mời về dạy, song Điếp từ chối, quyết tâm trở về quê hương để góp phần gieo chữ cho con em miền biên viễn Chơm, huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam…

Từ trung tâm huyện Agrôồng lên đến Chơm hơn 50km, chúng tôi phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới đi hết con đường mòn đầy đá, nhiều đoạn trơn trợt, chạy len lỏi quanh những sườn núi chênh vênh… Đặt chân đến được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Chơm thì trời đã hoàng hôn, sương mù dâng lên vây kín. Ngôi trường ở vùng rẻo cao hẻo lánh này có 14 lớp học bậc tiểu học, với 172 học sinh; 8 lớp học bậc THCS với 175 học sinh, đều là đồng bào Cơ Tu. Trong đó, ngoài học sinh của xã Chơm, còn có hơn 80 học sinh bậc THCS của xã Gary bên cạnh cũng đến học, vì tại xã Gary không có trường cấp II.

Thầy Bơlong Điếp - Hiệu phó nhà trường, nhiệt tình đón tiếp những người khách miền xuôi. Trong chén trà ấm nóng nơi biên ải, người thanh niên tuổi ngoài 33, kể về cuộc đời của mình bằng chất giọng lơ lớ. Thì ra, Bơlong Điếp có bố là người Lào, mẹ là người Cơ Tu tại thôn Atu, xã Chơm.

Từ nhỏ, nhận thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn của gia đình nên Điếp gắng sức học hành. Thi đỗ đại học khóa 2003-2008, Điếp vào học ngành Sinh tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Trong thời gian này, Điếp đăng ký học luôn ngành Lâm nghiệp của Trường Đại học Nông lâm Huế. “Hiểu được hoàn cảnh nên mình rất cố gắng học và mình đã giành được nhiều học bổng khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Mình tâm niệm rằng phải học thật giỏi để một ngày mang cái chữ về dạy lại cho các em ở quê mình”, Điếp tâm sự.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, Điếp được nhiều trường dưới miền xuôi Quảng Nam, trong đó có một số trường tại TP Hội An, mời dạy, nhưng nghĩ về quê hương Chơm còn nghèo khó, từng là điểm trắng giáo dục, còn nhiều hủ tục lạc hậu, nên Điếp đăng ký lên dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng đóng tại xã Axan, với tâm nguyện góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đến năm học 2013, khi Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Chơm được thành lập, Điếp được điều động về làm Hiệu phó nhà trường. Điều đáng trân trọng, để hỗ trợ, động viên học sinh người đồng bào Cơ Tu nơi biên ải an tâm bám trường, bám lớp, Điếp đã đứng ra vận động các con em ở xã Chơm làm ăn thành đạt thành lập Hội Khuyến học xã Chơm.

Hằng năm, Hội đều tổ chức trao học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học của xã. Riêng đối với quê hương Atu, Điếp còn vận động thành lập chương trình “Những người con của bản”. Cứ vào mỗi dịp Tết, Điếp đều về thăm và tặng quà cho các học sinh tại thôn, đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện với già làng, trưởng bản, phụ huynh học sinh để nâng cao nhận thức của người dân về việc học của con em họ, đồng thời tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu tồn tại nhiều đời nay của người Cơ Tu…

Ghi nhận những đóng góp của Bơlong Điếp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Giang, tự hào: “Với những gì thầy Điếp đã làm, đã góp phần to lớn vào sự thay đổi nhận thức về học tập của người đồng bào Cơ Tu miền biên cương tiếp giáp nước bạn Lào này”.

Ngọc Thi
.
.
.