“Loạn” các chương trình tiếng Anh liên kết ở bậc tiểu học

Thứ Bảy, 04/03/2017, 13:55
Nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng là việc tồn tại quá nhiều chương trình giáo dục Tiếng Anh liên kết khiến cho chính họ cũng bị lạc vào “ma trận”, trong khi chất lượng của các chương trình liên kết này chưa có cơ sở để đánh giá.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ lớp 3 đến lớp 12. Nhiều năm nay, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã đưa chương trình dạy học ngoại ngữ từ lớp 1 bằng hình thức liên kết.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng là việc tồn tại quá nhiều chương trình liên kết khiến cho chính họ cũng bị lạc vào “ma trận”, trong khi chất lượng của các chương trình liên kết này chưa có cơ sở để đánh giá.

Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở bậc tiểu học Hà Nội, ngoài chương trình ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT được giảng dạy từ lớp 3 thì có rất nhiều chương trình khác đang được triển khai. Chẳng hạn Trường Tiểu học Hoàng Liệt ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì liên kết với một trung tâm bên ngoài học giáo trình Family&Friends với mức thu khoảng 150.000 đồng/em/tháng; còn Trường Tiểu học Lê Văn Tám ở quận Hai Bà Trưng thì liên kết với Trung tâm Language Link và thu 6 triệu đồng/năm học.

Có nhiều trường cùng một lúc liên kết với hai trung tâm dạy ngoại ngữ khác nhau, một bên giá “bình dân”, một bên giá “cao cấp”. Đơn cử như tại Trường Tiểu học Ái Mộ, quận Long Biên, phụ huynh có thể đăng ký cho con học một trong hai chương trình tiếng Anh, một chương trình của DynEd và một của Language Link. Học phí chương trình DynEd khoảng 200.000 đồng/tháng, còn Language Link tính theo năm học - khoảng gần 6 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Ngọc Nam, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Việc học chương trình tiếng Anh liên kết ở trường cũng tốt vì vừa thuận tiện cho con, bố mẹ đưa đón cũng tiện vì giờ học được sắp xếp luôn trong thời gian chính khóa. Tuy nhiên, hạn chế là sẽ gây bất tiện cho học sinh và gia đình không có nhu cầu học thật sự.

Có phụ huynh đã từng thắc mắc với tôi rằng, con của họ đã đi học thêm ở trung tâm bên ngoài, không cần học thêm ở trường nữa song họ vẫn phải đăng ký cho con học vì chẳng lẽ đến giờ các bạn học, con lại phải đi lang thang ngoài lớp.

Chị Hà Ngọc Thanh, phụ huynh có con đang học tại trường Hoàng Liệt cũng thắc mắc: “Chúng tôi băn khoăn là tại sao cùng một cấp học lại có nhiều chương trình liên kết khác nhau với nhiều mức học phí khác nhau? Tại sao không thí điểm một số chương trình chuẩn rồi nhân rộng để tất cả các trường đều được học một chương trình thống nhất?”.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, quy trình để các chương trình được cấp phép được tiến hành qua các bước cụ thể. Sau khoảng 1 năm tiến hành thí điểm, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đánh giá và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với từng chương trình để cho phép triển khai.

Huyền Thanh
.
.
.