Học phí bậc đại học sẽ được điều chỉnh tăng 10% mỗi năm

Thứ Năm, 08/10/2015, 16:33
Theo Nghị định 86 do Chính phủ vừa mới ban hành, kể từ ngày 1/12, mức học phí bậc đại học (ĐH) sẽ được điều chỉnh tăng 10% mỗi năm.

Trước việc mức học phí ĐH tăng mạnh, hầu hết sinh viên và phụ huynh đều tỏ ra bất an, lo lắng bởi với mức tăng này, cơ hội học tập của nhiều học sinh các vùng nông thôn, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn sẽ bị thu hẹp. Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường ĐH lại khẳng định, lộ trình tăng học phí sẽ được các trường điều chỉnh thận trọng, đảm bảo đủ bù chi và không “gây sốc” cho sinh viên.

Theo quy định mới, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối, ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020 -2021 (kể cả các cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) sẽ được điều chỉnh tăng 10% hàng năm.

Học phí đại học sẽ được các trường điều chỉnh tăng nhưng không “gây sốc” cho sinh viên, Ảnh Phú Đức.

Cụ thể, từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2017-2018, học phí đối với khối ngành Khoa học Xã hội, Kinh tế, Luật, Nông, Lâm, Thủy sản ở mức 1.750.000 đồng/tháng/sinh viên; khối Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục Thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn Du lịch ở mức 2.050.000 đồng/tháng/sinh viên; khối ngành y dược ở mức 4.400.000 đồng/tháng/sinh viên. Từ năm học 2018- 2019 đến năm học 2019- 2020, học phí tương ứng 3 khối nói trên tăng lần lượt 1.850.000 đồng, 2.200.000 đồng và 4.600.000 đồng. Cuối cùng, từ năm học 2020- 2021, học phí của 3 khối này tăng tương ứng 2.050.000 đồng, 2.400.000 đồng và 5.050.000 đồng.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) cũng có mức tăng tương tự. Cụ thể, năm học 2015- 2016, học phí 3 khối ngành nói trên ở mức lần lượt 610.000 đồng/tháng/ sinh viên, 720.000 đồng/tháng/sinh viên và 880.000 đồng/tháng/sinh viên. Năm học 2016 -2017, mức học phí tăng lên lần lượt, 670.000 đồng, 790.000 đồng và 970.000 đồng. Và đến năm học 2020 -2021, mức học phí tăng lần lượt 980.000 đồng, 1.170.000 đồng và 1.430.000 đồng.

Theo mức trần học phí của năm học 2014 -2015, mỗi sinh viên phải đóng từ - 10 triệu đồng/năm đã khiến nhiều sinh viên và gia đình “lao đao” mỗi dịp đầu học kỳ, nhất là những sinh viên ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nay lại nhận thông tin từ năm học 2015-2016, các trường tự chủ tài chính, trường công lập được tự điều chỉnh học phí tăng 10% mỗi năm khiến không ít sinh viên và phụ huynh lo lắng, bất an bởi ngoài tiền học phí, chi phí học tập và sinh hoạt của sinh viên đang ngày càng tăng cao khiến cho áp lực kinh tế càng trở nên nặng gánh. 

Trong khi đó, khoản tín dụng vay ưu đãi mà Ngân hàng năm mà Ngân hàng Chính sách xã hội cho sinh viên nghèo vay vốn để học tập gần 10 năm nay vẫn chỉ ở mức tối đa trên 1 triệu đồng/tháng/sinh viên. Do đó, việc các trường ĐH sẽ điều chỉnh học phí thế nào, chỉ tăng thêm một phần hay tăng kịch trần là 10% hàng năm và khi nào sẽ bắt đầu áp dụng hiện đang là câu hỏi được hàng triệu sinh viên, phụ huynh trên cả nước “trông ngóng” với nhiều âu lo.

Chia sẻ với PV Báo CAND, TS Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa cho biết: “Vấn đề tăng học phí, chúng tôi mới chỉ nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng chứ chưa chưa nhận được văn bản chính thức. Do đó, trong học kỳ 1 năm học 2015-2016, nhà trường vẫn thu theo mức học phí cũ áp dụng cho năm 2014. Khi nào có văn bản hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét và thực hiện việc điều chỉnh học phí theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường là sẽ điều chỉnh tăng phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà trường và người học”. 

Theo đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội, mặc dù mức tăng 10% hàng năm là tương đối cao song Nghị định là hướng rất mở của Chính phủ khi cho phép các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư có mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH. Trên cơ sở đó, các trường sẽ xây dựng khung học phí phù hợp. 

“Hiện tại trường đang thu học phí ở mức 9,6 triệu đồng/ sinh viên/ năm, tức là trung bình khoảng 800 đồng/tháng. Trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn, chúng tôi vẫn thu theo mức cũ của năm 2014. Còn trong trường hợp đề án được phê duyệt sớm, có khả năng chúng tôi sẽ áp dụng mức học phí mới ngay từ học kỳ 2. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phải cân nhắc mức độ tăng, có thể không tăng tới mức trần được phép. Chúng tôi sẽ tăng hợp lý để đủ cân bằng thu chi và có thể đầu tư. Bởi vì nếu tăng cao quá, sinh viên sẽ gặp khó khăn, mà trường chúng tôi cũng như các trường khác hiện nay đang chịu áp lực cạnh tranh sinh viên khá quyết liệt”- đại diện nhà trường chia sẻ.

Đại diện trường ĐH Tây Bắc cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, trước khi ban hành Nghị định, Nhà nước đã có sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng. Việc đưa ra khung học phí như vậy cũng giúp sẽ cho sinh viên các năm học tới lường trước và lựa chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Còn việc điều chỉnh thực tế như thế nào sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng vùng, từng trường. Riêng với ĐH Tây Bắc thuộc vùng kinh tế khó khăn, có nhiều đối tượng thuộc diện ưu tiên, chưa tự chủ cho nên mức tăng học phí thế nào nhà trường sẽ phải xem xét, cân nhắc thận trọng trên tinh thần đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động song cũng không quá gây áp lực và căng thẳng về kinh tế cho sinh viên”.

Huyền Thanh
.
.
.