Lo ngại “lạm thu” biến tướng

Thứ Năm, 26/09/2019, 08:33
Theo phản ánh của một số phụ huynh, hiện nay đang xuất hiện xu hướng, các trường tìm cách “lách” quy định để huy động đóng góp cho các khoản phục vụ cơ sở vật chất như điều hòa, máy chiếu, cây nước nóng cho các lớp đầu cấp...


Lạm thu đầu năm học là câu chuyện được tái diễn từ nhiều năm nay với hình thức và mức độ khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, trong Chỉ thị đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, “lạm thu” vẫn là nỗi lo của nhiều phụ huynh vào đầu năm học mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học tại Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh và thông báo các khoản thu đầu năm. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, năm nay vấn đề lạm thu trong các trường dường như đang có phần hạ nhiệt so với các năm trước. Lý do là ngay từ đầu năm học mới 2019-2020, để chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để hiện tượng lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường học để thu các khoản ngoài quy định, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản quy định chi tiết 7 khoản không được thu của học sinh.

Tuy vậy, một số phụ huynh cũng bày tỏ quan ngại việc “lạm thu” có thể sẽ được biến tướng một cách tinh vi hơn. Chị Minh Vân, phụ huynh có con học tiểu học tại quận Cầu Giấy-Hà Nội cho biết: “Năm nay các trường khéo lắm, các khoản thu đều đã công bố nhưng chia nhỏ ra, khi nào có sự kiện mới thu”.

Chị Thu Thủy, phụ huynh có con học tiểu học tại quận Hai Bà Trưng Hà Nội cũng chia sẻ: Ngoài quỹ lớp, quỹ trường, năm nay trường con trai chị còn thu thêm một khoản gọi là quỹ hỗ trợ học sinh nghèo. Quỹ này nhà trường thông báo là tự nguyện, tùy tâm và dù chưa nắm rõ, quỹ này sẽ hoạt động như thế nào, có hiệu quả thực sự hay không song đa phần các phụ huynh đều đóng.

Chị Ngọc Lan, có con vào lớp 1 trái tuyến một trường trên địa bàn quận Ba Đình cũng cho biết: Vào đầu năm học, khi xuống phòng làm thủ tục nhập học cho con, nhân viên phòng kế toán đưa phiếu nộp tiền quỹ tự nguyện với mức 4 triệu đồng. Chị Lan cho rằng, các khoản thu mang tính chất tự nguyện nên đóng bao nhiêu tuỳ tâm chứ nhà trường đưa phiếu đề là “tự nguyện” nhưng lại quy định cứng một mức thu như vậy là chưa hợp lý.

Cũng theo phản ánh của một số phụ huynh, hiện nay đang xuất hiện xu hướng, các trường tìm cách “lách” quy định để huy động đóng góp cho các khoản phục vụ cơ sở vật chất như điều hòa, máy chiếu, cây nước nóng cho các lớp đầu cấp.

“Do thành phố quy định 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, trong đó có khoản mua sắm thiết bị cho trường, cho lớp nên cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị phụ huynh nghĩ cách giúp vì đây đều là những vật dụng cần thiết phục vụ trực tiếp cho các con trên lớp. Sau khi ban phụ huynh tổ chức họp riêng đã quyết định cả lớp góp tiền mua, sau đó giao cho một người đại diện đứng ra hiến tặng”- anh Minh Tiến, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 6 cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc đóng quỹ trường trên toàn thành phố hiện nay cũng chưa có sự thống nhất khi có trường thu quỹ này nhưng cũng có trường lại không thu. Mức thu cũng rất khác nhau, dao động từ 100 nghìn đồng/năm học đến 500 ngàn đồng/năm.

Nhiều phụ huynh cho rằng, sau nhiều năm phải đóng loại quỹ này đến giờ họ vẫn chưa nắm rõ quỹ trường sẽ được chi vào việc gì, quá trình quản lý quỹ này được thực hiện như thế nào và liệu thực sự có cần thiết hay không? Không chỉ trường công lập, việc nhiều trường ngoài công lập đang lạm dụng việc tự chủ về tài chính để tiến hành “tận thu” nhiều khoản bất hợp lý cũng được nhiều phụ huynh phản ánh.

Anh Nam Anh, phụ huynh có con học tại trường dân lập có thương hiệu trên địa bàn quận Thanh Trì cho biết: “Nhà trường niêm yết mức học phí là chỉ là 2,5 triệu đồng/tháng nhưng trên thực tế, phụ huynh phải đóng trên 5 triệu/tháng. Rất nhiều khoản thu “vô tội vạ” được nhà trường “vẽ” ra trên danh nghĩa thỏa thuận nhưng thực tế là ép buộc. Vì nếu phụ huynh không đồng thuận chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời nếu anh chị cảm thấy không phù hợp thì có thể chuyển trường khác cho con”.

Để hạn chế “nở rộ” các khoản thu đầu năm, hàng năm Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT các địa phương đều cố gắng rà soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa hiện tượng này. Trong các chỉ thị của Bộ cũng yêu cầu quy trách nhiệm người đứng đầu (Hiệu trưởng) nếu để xảy ra lạm thu. Tuy nhiên, hiện tượng “lạm thu” trên thực tế gần đây đã giảm song vẫn, đã và đang còn nguy cơ biến tướng.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Lý do chính của việc xảy ra lạm thu là các trường là không thực hiện yêu cầu, chỉ thị của Bộ, Sở GD&ĐT, xã hội hóa giáo dục chưa đúng mức, thu những khoản không cần thiết. Theo ông Lâm, lạm thu xảy ra năm này qua năm khác do cơ chế giám sát của trường, của cộng đồng còn đang bị buông lỏng.

“Các khoản thu phải công khai và thông qua phụ huynh trước khi thu. Khi xảy ra lạm thu, Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm đầu tiên, do đó, cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa và xử lý thật nghiêm mới có thể dứt điểm được lạm thu trường học” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho cho rằng: “Khi nguồn kinh phí ngân sách cấp không đủ, việc xã hội hóa giáo dục, trong đó có huy động sự đóng góp từ chính phụ huynh là cần thiết. Vấn đề ở đây phải là minh bạch, công khai, minh bạch các khoản thu để công tác xã hội hóa thực sự vì lợi ích của học sinh”.

Huyền Thanh
.
.
.