Điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp kỷ lục

Thứ Hai, 07/08/2017, 09:42
Trái ngược với bức tranh tuyển sinh vào vào trường Công an, Quân đội, y dược với điểm chuẩn rất cao, năm 2017 điểm chuẩn vào các trường sư phạm vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá thấp.


Ngoại trừ hai cơ sở đào tạo lớn là Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đa phần các cơ sở đào tạo sư phạm còn lại đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn. Đầu vào ngành sư phạm thấp đang khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai sẽ ra sao?

Năm nay, hai cơ sở đào tạo ngành sư phạm danh tiếng và có điểm trúng tuyển vào top cao nhất nước ta là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Làm sao để thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm đang là một câu hỏi cần giải đáp. Ảnh minh họa: Thúy Hằng.

Cụ thể, với ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2017 là 17 điểm đối với ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Tương tự, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.

Như vậy, nếu so với mặt bằng điểm chuẩn trong nhóm ngành sư phạm, điểm chuẩn của 2 cơ sở đào tạo uy tín nhất cả nước là tương đối ổn song nếu so với điểm chuẩn của một số ngành khác như công an, quân đội, y dược, kinh tế thì khối sư phạm vẫn có chuẩn đầu vào thấp hơn rất nhiều.

Thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15,5 điểm. Cụ thể, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non.

Chế độ đãi ngộ và thu nhập của ngành sư phạm hiện nay vẫn thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác. 

Tại Trường ĐH Vinh, ngoài một số ngành học là sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20-27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm. Nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Huế năm nay cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn. ĐH Hồng Đức-Thanh Hóa cũng có 10/10 ngành sư phạm hệ ĐH lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5.

Đại học Tân Trào-Tuyên Quang cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ ĐH gồm giáo dục mầm non, tiểu học, sư phạm Toán, Sinh là 15,5 điểm. ĐH Sư phạm Thái Nguyên, những năm trước các ngành sư phạm Toán, Tin, Lý, Hoá, Sinh luôn có điểm chuẩn cao, vì được coi là ngành hot trong trường, nhưng năm nay cũng chỉ lấy 15,5 điểm. ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tại Vĩnh Phúc năm nay tuyển 13 ngành sư phạm thì có 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 19 trở xuống...

TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thực tế cho thấy, sinh viên sư phạm cần có lượng kiến thức khá nhiều để có thể ra đời làm thầy. Có một câu nói lưu truyền trong ngành nghề là “biết 10, dạy 1”. Tuy nhiên, với các sinh viên có điểm đầu vào thấp, đôi khi điều đó không đơn giản, đặc biệt khi sinh viên đó thiếu hụt lượng kiến thức phổ thông lớn. Vì lượng kiến thức cần bổ sung quá nhiều, bạn sinh viên đó sẽ khó có thể tiếp thu kịp thời những vấn đề ở ĐH.

Các giảng viên vì thế cũng gặp khó khăn khi bổ sung. Và tất nhiên, điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc, chất lượng đầu ra của sinh viên đó, khi trở thành thầy-cô cũng sẽ hạn chế so với các bạn có đầu vào cao hơn.

Lý giải nguyên nhân khiến ngày càng có ít học sinh có học lực giỏi và xuất sắc ở bậc THPT “đầu quân” vào ngành sư phạm, đa phần các ý kiến đều cho rằng, do cơ chế tuyển dụng vào ngành sư phạm hiện nay khá cứng nhắc và tồn tại nhiều tiêu cực dẫn đến việc chạy việc, chạy biên chế với giá cao đã khiến nhiều học sinh giỏi ngại vào sư phạm.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ và thu nhập của ngành sư phạm hiện nay vẫn thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác. Cùng với đó, người giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực từ việc nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn đến các áp lực xã hội từ bên ngoài tác động vào khiến nghề dạy học không còn nhiều hấp dẫn với học sinh như trước.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Mặc dù hiện nay sự đãi ngộ giáo viên đã được cải thiện khá nhiều, nhưng so với mặt bằng thu nhập trong xã hội thì chưa phải là cao, áp lực từ phía xã hội đối với người giáo viên ngày càng lớn. Không ít giáo viên phải “chân ngoài dài hơn chân trong” để làm thêm kiếm sống. Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ THPT.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, muốn thu hút người giỏi vào sư phạm, cần phải làm một cuộc cách mạng từ tuyển sinh-đào tạo; tuyển dụng-sử dụng; chọn lọc và cuối cùng lã đãi ngộ. Đặc biệt, phải đặt đúng giáo dục là “quốc sách hàng đầu”.

“Quốc sách ở đây không phải là lý thuyết, là khẩu hiệu mà phải biến thành chính sách và hành động thực tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xây dựng được một quy trình đúng, chuẩn từ khâu đào tạo, sử dụng, chọn lọc và đãi ngộ giáo viên để tạo ra sản phẩm giáo dục có chất lượng. Đồng thời, thu hút được thêm nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục.

Và khi có đủ nguồn lực, chúng ta sẽ xây dựng được chế độ đãi ngộ phù hợp, giữ chân và thu hút được người tài vào giáo dục, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho người dân, hạn chế được tình trạng “chảy máu” chất xám ra nước ngoài”- ông Lâm đề xuất.

Huyền Thanh
.
.
.