Lại “lùm xùm” chuyện thu phí đầu năm của trường học
Ngày 14/9, sau khi được dư luận phản ánh việc thu tiền ghế ngồi của học sinh trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, Phòng GD-ĐT quận đã yêu cầu nhà trường phải trả lại số tiền nói trên.
Trước đó, Trường THCS Bình Chánh thu tiền ghế ngồi của học sinh. Tin được một trong những phụ huynh học sinh (PHHS) đưa lên mạng. Ngay lập tức các PHHS đã rất quan tâm. Tìm hiểu vụ việc PV được biết, trên phiếu thu được lập ngày 18/7 của Nhà trường, có mộc đỏ, kèm số tiền thông báo tới PHHS phải đóng cho con em mình trong 4 năm học là 40.000 đồng. Đây là tiền ghế nhựa cho học sinh ngồi chào cờ thuộc khối lớp 6. Số tiền do đại diện hội cha mẹ phụ huynh đề xuất nhưng khi thu lại lập phiếu và có dấu của trường.
Việc trường thu tiền ghế ngồi của học sinh nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Sau khi nắm được sự việc, phòng GD-ĐT Bình Chánh yêu cầu Trường THCS Bình Chánh tạm dừng thu tiền ghế ngồi và trả lại số tiền đã thu. Theo báo cáo của nhà trường thì đã có 400 học sinh Trường THCS Bình Chánh đóng số tiền trên và đã được nhà trường trả lại.
Trường THCS Bình Chánh – Nơi xảy ra sự việc |
Các bậc phụ huynh trường THCS Bình Chánh đóng góp nhiệt tình ý kiến với nhà trường tại một buổi họp Đại hội đại biểu Cha mẹ học sinh. ( minh hoạ) |
Ngoài ra, với các trường tham gia Đề án dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam thực hiện theo Quyết định 5695 ban hành năm 2014 của UBND TP Hồ Chí Minh được qui định mức thu như sau: Nếu trường trong giai đoạn sử dụng 100% giáo viên nước ngoài thì phương án 1, học phí là 3,1 - 3,2 triệu đồng/tháng cho thời lượng 6 tiết/tuần với 100% giáo viên nước ngoài. Phương án 2, học phí 4 triệu/tháng cho thời lượng 8 tiết/tuần với 100% giáo viên nước ngoài. Phương án 3, học phí 2,2 triệu/tháng cho thời lượng 6 tiết/tuần với 50% giáo viên nước ngoài và 50% giáo viên người Việt Nam. (Lộ trình sẽ được thực hiện sau khi tập huấn cho các giáo viên Việt Nam). Phương án 4, học phí 3,2 triệu/tháng cho thời lượng 8 tiết/tuần với 50% giáo viên nước ngoài và 50% giáo viên người Việt Nam (lộ trình sẽ được thực hiện sau khi tập huấn cho các giáo viên Việt Nam).
Riêng đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (Quỹ phụ huynh), UBND TP yêu cầu các trường thực hiện theo Điều 10, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT năm 2011. Cụ thể, trong qui định về “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh” có nói rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp; Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
Về việc “Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh”, có qui định rõ: Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến; Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Trong đó yêu cầu: Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Và đặc biệt tại khoản 4 của điều 10 này nói rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Qui định cũng nói rõ: “các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.