Khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm

Thứ Ba, 07/05/2019, 08:14
Những ngày qua, quy định "không sử dụng mạng xã hội để phát tán, bình luận ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” tại Thông tư số 06-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa mới ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định như trên là không phù hợp với quyền tự do bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân trong xu thế hiện nay. 

Ngày 6-5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, với việc ban hành Thông tư 06, lần đầu tiên quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử của các chủ thể trong cơ sở giáo dục được ban hành chính thức, dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực thi hành sẽ cao hơn các văn bản chỉ đạo trước đây của Bộ GD&ĐT.

Lý giải thêm về Điều 4 trong Thông tư 06 quy định quy tắc ứng xử chung với nội dung: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” hiện đang tạo ra những quan điểm trái chiều trong dư luận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Khi xây dựng quy định này, Bộ GD&ĐT đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh, đặc biệt là tác động từ những thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. 

Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội. Môi trường giáo dục là môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng. 

“Quy định tại Điều 4 của Thông tư 06 nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cơ sở và mang tính chất xây dựng".

Huyền Thanh
.
.
.