Không phân biệt bằng đại học tại chức và chính quy:

Giám sát chất lượng để đảm bảo công bằng

Thứ Bảy, 06/07/2019, 09:02
Ngày 4-7, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về việc công bố 7 luật, trong đó có Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018 được dư luận xã hội hết sức quan tâm là việc sẽ không còn phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy (đào tạo thường xuyên, đào tạo từ xa) như trước.

Tạo cơ hội bình đẳng cho người học

Theo Luật Giáo dục sửa đổi, hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ giáo dục đại học hiện nay bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức, kỹ năng, chuẩn “đầu ra”... của các chương trình đào tạo, cho dù được thực hiện theo hình thức đào tạo nào, đều phải bảo đảm chất lượng như nhau.

Cũng theo quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương tương. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là điều chỉnh khá mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các loại hình đào tạo, đồng thời tạo sự bình đẳng cho người học dù theo học ở bất cứ loại hình nào.

Sẽ xóa bỏ hình thức đào tạo không chính quy trên văn bằng bắt đầu từ 1-7.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Xu hướng thế giới từ lâu đã không ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học và chỉ ghi tốt nghiệp loại giỏi hay khá. Việt Nam đang hội nhập nên việc đi theo xu hướng thế giới là phù hợp. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng văn bằng, cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cũng nêu quan điểm: Có thể so sánh vui giữa đào tạo chính quy như sản xuất sản phẩm loại A và không chính quy như sản phẩm loại B. Tuy nhiên, với quy định mới trong Luật Giáo dục sửa đổi 2018 về văn bằng tương đương, yêu cầu các trường đại học chỉ được phép đưa ra thị trường sản phẩm loại A.

Điều này buộc các trường khi cấp bằng cho sinh viên phải chịu trách nhiệm về chất lượng của bằng đấy, không còn lý do đây là loại B nên chất lượng có kém hơn một chút cũng không sao. Tuy vậy, ông Tùng cũng nhấn mạnh, quy định "bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau" chỉ có giá trị về mặt pháp lý, còn chất lượng đào tạo vẫn phụ thuộc ở từng trường, gắn với thương hiệu của trường.

Giám sát chất lượng để đảm bảo công bằng

Mặc dù khẳng định việc không phân biệt văn bằng là phù hợp với xu hướng thế giới song nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn cho rằng, nếu "đánh đồng" hai hình thức đào tạo chính quy và không chính quy sẽ bất công với những trường hợp đào tạo chính quy. Bởi lẽ, từ trước đến nay, chất lượng dạy-học của hai hình thức đào tạo này vẫn luôn được xã hội nhìn nhận khác nhau.

Thực tế cho thấy, sở dĩ bằng đại học tại chức hiện nay không được xã hội coi trọng do chất lượng đào tạo ở nhiều trường chưa cao. Đó là chưa kể, có hiện tượng học giả, thi giả, nhưng vẫn được cấp bằng thật. Do đó, việc cấp cùng một loại chứng chỉ liệu có tạo điều kiện cho những tiêu cực trong công tác đào tạo và quan trọng hơn là tuyển dụng cán bộ sau này vẫn là một dấu hỏi lớn.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Đây là một quy định tiến bộ. Bởi, bây giờ người ta có thể học qua nhiều phương tiện, hình thức khác nhau. Người ta có thể học trên lớp, có thể học từ xa như học online. Vấn đề quan trọng là làm sao đánh giá cho đúng, cho thực chất. Để xã hội yên tâm, việc tổ chức dạy-học của các trường đại học cần phải có trách nhiệm hơn, việc cấp bằng cho người học cũng phải thận trọng hơn để đảm bảo công bằng đối với người học”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Văn bằng chỉ nhằm quy định trình độ đào tạo cao hay thấp, rồi lĩnh vực hay ngành học đó để xác định chuyên môn đào tạo của người đó như thế nào.

Hình thức đào tạo không ghi trên văn bằng, dù vừa học vừa làm, học tập trung hay đào tạo từ xa đều phải trên một chương trình thống nhất, có thời lượng thống nhất, cùng trên chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra như nhau. Do vậy, không có lý do gì để phân biệt văn bằng chính quy - tại chức.

Tuy nhiên, cũng theo bà Phụng, nếu nhìn một cách tổng thể thì ta có thể thấy hình thức chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học thì vẫn có trường tốt và không tốt, có người đạt trình độ cao và có người cũng chỉ đạt trình độ tiêu chuẩn. Như vậy, vấn đề chất lượng đại học chính quy hay tại chức ở đây là do chính sách chất lượng của từng trường và do nỗ lực của từng người học để lấy kiến thức thực thụ hay học để lấy tấm bằng, chứ không phụ thuộc quá lớn vào hình thức văn bằng, hình thức đào tạo.

“Việc xóa bỏ hình thức đào tạo không chính quy trên văn bằng đòi hỏi các trường đại học phải siết chặt chất lượng đào tạo nhằm tạo dựng thương hiệu, uy tín với người học. Tất nhiên, ngoài trách nhiệm của các trường, cũng cần tăng cường giám sát của xã hội, đặc biệt là người học về chất lượng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sắp tới, vấn đề kiểm định các trường sẽ được đẩy mạnh, nhất là kiểm định chương trình, kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng cho chương trình đó”- bà Phụng nói.

Huyền Thanh
.
.
.