Thi THPT Quốc gia 2018: Không nhất thiết phải "đổi mới" cái “mới đổi”

Thứ Hai, 25/09/2017, 08:30
Ngay khi dự thảo phương án kì thi THPT Quốc gia năm 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến đã nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là những chuyên gia giáo dục.

Trong đó, vấn đề bài thi tổ hợp - khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) với 2 phương án ra đề và cách tính điểm đã được góp ý, "nói thẳng". Riêng các thí sinh đang phải gấp rút điều chỉnh cách học của mình để vừa đảm bảo đỗ tốt nghiệp vừa đạt mục tiêu cho xét tuyển đại học (ĐH).

Lo xáo trộn tâm lý thí sinh

Hai phương án của dự thảo đó là, hoặc giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017; hoặc là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh và chỉ lấy một đầu điểm để xét tuyển.

Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn-ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bộ chỉ nên chọn phương án 1, đó là, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017) mà không nên thay đổi, vì thay đổi liên tục sẽ gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh.

Thí sinh tham dự kì thi THPT Quốc gia 2017 - điểm thi ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh: "Theo phương án 2, ngoài 3 bài thi bắt buộc: Toán-Văn-Ngoại ngữ, thì các em sẽ phải học đều hết 6 môn để thi tốt nghiệp. Khi các em đăng kí tổ hợp các môn KHTN hay tổ hợp các môn KHXH, để tính đầu điểm chung, thì sẽ tạo cho các em một áp lực không đáng có, vì trong 3 năm THPT, các em đã mất công ôn luyện những môn phù hợp với sở trường. Mà đến bây giờ Bộ mới đưa ra dự thảo xin ý kiến.

Từ dự thảo tới chính thức theo quy định cũng phải thông qua 2 đợt, mỗi đợt 45 ngày, nhanh thì cũng phải tới cuối năm 2017, Bộ mới chốt lại phương án. Như vậy, sẽ thiệt thòi vô cùng cho thí sinh.

Thí sinh sẽ rơi vào tình trạng, để học chắc ăn thì đành tập trung vào "cày" bài, luyện thi. Từ đây, học sinh sẽ phải dồn toàn lực cho việc học để thi mà lãng quên đi cái việc quan trọng hơn nhiều là: học gì, thi gì đúng ngành, nghề, đúng sở trường mình.

Theo yêu cầu của Bộ là chương trình thi 2018 phải có cả kiến thức của lớp 11, cũng không bỏ được kiến thức của lớp 10. Như vậy, xét ra gây thêm áp lực cho thí sinh có cần thiết hay không, chưa kể gây bất ổn tâm lý cho thí sinh, phụ huynh học sinh.

Không nhất thiết phải "đổi mới" cái “mới đổi”

Theo ý kiến phân tích của TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh: "Bộ nên giữ ổn định cách tính điểm như năm 2017. Vì, kì tuyển sinh 2017 đã làm tốt và đúng mục tiêu.

Tôi cho rằng, không nên đổi mới cái mới đổi, khi mà nó đang "chạy" tốt. Hơn nữa, việc “kiến thức nào cần cho ngành nào” sẽ hợp lý nếu theo cách 1; còn nếu thay đổi để đạt mục tiêu có chuẩn về kiến thức tổng quát thì chúng ta đã có “rào chắn” tốt nghiệp rồi!".

Theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đưa ra phương án 2 để lấy ý kiến các trường về quy trình tổ chức thi và chấm thi đơn giản và có thể phát triển các bài thi tổ hợp thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh. Vấn đề này, TS Trần Đình Lý cho rằng, quan điểm và mong muốn như Bộ đưa ra cũng hay.

Tuy nhiên, việc đánh giá năng lực của thí sinh thì còn rất nhiều kiến thức, đặc biệt là kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, sự phù hợp với ngành nghề… nên chắc chắn các trường, theo các nhóm ngành sẽ có những tính toán và đưa ra cách tính toán để đánh giá năng lực phù hợp.

Liên quan tới công tác chấm thi sẽ có ảnh hưởng gì khi áp dụng phương án 2, TS Lý cho rằng, về cơ bản, chấm thi trắc nghiệm thì không sao, do máy! Nhưng nếu chấm tay mới là khó!

Ông Nguyễn Quốc Cường cũng phân tích thêm: Nên áp dụng phương án 1 là giữ nguyên điểm thi từng môn trong bài thi tổ hợp, với 2 lý do: "Thứ 1, từ trước tới giờ các trường ĐH khi tổ chức tuyển sinh, kể cả trước đây bằng hình thức Ba chung, và sau này khi sử dụng kết quả kì thi THPT Quốc gia để xét tuyển thì đều sử dụng kết quả thi các môn độc lập.

Ví như khối A là Toán, Lý, Hoá; khối B là: Toán, Hoá, Sinh. Do vậy, khi bắt đầu vào học lớp 10, thì các em đã định hướng theo phương án của các trường là học theo từng khối. Hoặc theo từng tổ hợp môn mà nhà trường đã định hướng. 

Ví dụ như: Học sinh muốn theo nghề Cơ khí thì theo học các môn cơ bản: Toán-Lý-Hoá. Giờ nếu lấy 1 đầu điểm cho cả các môn tổ hợp thì các em bắt buộc phải học thêm môn Sinh. Là môn học nằm ngoài dự định để thi.    

Thứ 2, một điều quan trọng theo ông Cường: "Nếu Bộ chỉ lấy một đầu điểm của bài thi Tổ hợp thì đã phá vỡ quy định chung, đó là: nếu các trường đăng kí các tổ hợp môn mới thì phải thông báo trước 3 năm. Và chỉ được phép sử dụng 25% tổng chỉ tiêu cho việc đăng kí các tổ hợp môn mới. Như vậy, Bộ cũng đã vô tình hay nói cho chính xác là "cố tình" đẩy các trường "phạm luật".

Ngoài ra, xét về tổng thể các chương trình hướng nghiệp và các đơn vị đang nỗ lực khi định hướng nghề nghiệp cho HS, đồng thời các chuyên gia đều khuyên các em, rằng học tập trung vào những môn phù hợp với xu hướng các ngành đang được đào tạo trong các trường, để ra trường có cơ hội làm việc.

Về vấn đề dạy học và chấm thi, ông Cường cũng cho rằng vẫn phải là 3 môn tách rời chứ không thể là bài thi tổ hợp cả kiến thức 3 môn vào được, không làm được. Vì bản thân giáo viên chưa được đào tạo kịp về dạy tích hợp, nên không thể đáp ứng nhiệm vụ chấm bài thi tích hợp! Giáo viên chuyên môn nào chấm môn đó! Trường ĐH Sư phạm cũng chưa hề đào tạo được lớp giáo viên nào có thể chấm được bài thi tổ hợp.

Huyền Nga
.
.
.