Học sinh nghèo, sinh viên theo học các ngành ‘đặc thù’ được hỗ trợ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Theo đó, bắt đầu từ 1/12, mức học phí tại tất cả các cấp học từ nầm non đến đại học (ĐH) đều tăng, trong đó mức thấp nhất là 30 ngàn đồng/tháng và mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức tăng học phí, Nghị định cũng quy định cụ thể những đối tượng được miễn, giảm học phí để tăng cơ hội học tập cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Học phí bậc ĐH tăng mạnh
Theo quy định mới tại Nghị định 86, mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015- 2016 sẽ nằm ở mức từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi. Mức học phí trên tăng so với trước đó song mức tăng không đáng kể.
Trong khi đó, mức học phí mới đối với bậc ĐH tăng mạnh so với trước. Cụ thể, ở các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí năm học 2015 - 2016, 2016 - 2017 với khối ngành y dược là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên (SV); khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, thể dục thể thao - nghệ thuật, khách sạn - du lịch là 2,05 triệu đồng/tháng/SV; khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản là 1,75 triệu đồng/tháng/SV.
Ở các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí năm học 2015 - 2016 áp dụng cho khối ngành y dược là 880.000 đồng/tháng/SV; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, thể dục thể thao - nghệ thuật, khách sạn - du lịch là 720.000 đồng/tháng/SV; khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản là 610.000 đồng/tháng/SV.
Tiếp tục duy trì chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu sổ. Ảnh Việt Tuân. |
Các năm học tiếp theo, mức trần học phí ở từng khối ngành đều được điều chỉnh theo hướng tăng. Riêng với các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ, học phí được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.
Từ năm học 2016-2017 trở đi học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Miễn, giảm học phí cho sinh viên theo học các ngành “đặc thù”
Để tăng cơ hội cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được có điều kiện học tập, Nghị định cũng đã quy định cụ thể các đối tượng không phải đóng học phí, được miễn, giảm học phí.
Theo đó, các đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học, sinh viên Sư phạm và người học các chuyên ngành đặc thù về an ninh-quốc phòng theo quy định của Luật Giáo dục ĐH.
Các đối tượng miễn học phí gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật, tàn tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em dưới 16 tuổi và học sinh học mẫu giáo không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo; trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông có là con của hạ sỹ quan và binh sỹ, chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh hệ cử tuyển và các trường dân tộc nội trú; học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số hộ nghèo và cận nghèo; sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh-sinh viên học các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, năng lượng nguyên tử...
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành Nhã nhạc cung đình, Chèo, Tuồng, Cải lương, Múa, Xiếc và một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo.