Học sinh bị bắt nạt qua mạng và những hậu quả khó lường

Thứ Hai, 07/01/2019, 09:28
Lâu nay nhiều người biết đến việc trẻ bị bắt nạt trực tiếp, không mấy ai nghĩ đến việc trẻ bị bắt nạt qua mạng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, bắt nạt trực tuyến đang trở thành nguy cơ đáng báo động khi trong 10 học sinh, có khoảng 3 em bị bắt nạt qua mạng xã hội.

Đáng chú ý, trong nhiều trường hợp, dù xuất phát từ mục đích trêu đùa song nạn nhân bị bắt nạt qua mạng do không chịu được áp lực đã tìm đến các giải pháp tiêu cực, nguy hiểm như cắt tay, tự tử.

24% học sinh (tham gia khảo sát ) bị bắt nạt trên mạng

Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây gần 5 năm nhưng người dân xã Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn còn xót xa trước cái chết đầy tức tưởi, oan uổng của một nữ sinh tên L. trường THPT Hai Bà Trưng vừa học hết lớp 12 đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Cần tăng cường truyền thông để học sinh nhận diện và phòng tránh được các hành vi bắt nạt trực tuyến.

Câu chuyện xuất phát từ việc một số bạn nam trong lớp ghép ảnh chân dung của L. vào hình nhạy cảm rồi đưa lên mạng Facebook nên cả lớp cùng xem được. Thấy vậy, một số bạn đã trêu đùa, chọc ghẹo. Không chịu được những lời trêu chọc ác ý của bạn bè, L. đã uống thuốc diệt cỏ. Mặc dù được các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai đã hết lòng cứu chữa, nhưng do lượng thuốc diệt cỏ vào cơ thể quá nhiều nên L. đã ra đi trong sự đau đớn, xót xa của gia đình.

Hay mới đây, vào tháng 3-2018, dư luận xã hội cũng không khỏi bàng hoàng về  vụ việc nữ sinh H.T.L. (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử dưới ao trong nhà, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ”. Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của H.T.L. được cho là vì clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị phát tán trên mạng xã hội đã thu hút hàng triệu lượt xem kèm theo nhiều bình luận ác ý.

Một tình huống khác là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Khánh Hòa) châm lửa đốt trường. Nữ sinh này từng đăng lên Facebook rằng nếu đủ 1.000 like sẽ tới đốt trường với mục đích gây sự chú ý.

Khi đủ 1.000 like, bạn bè trên Facebook đã ép em đốt trường nếu không sẽ bị đánh. Nữ sinh này đã hành động dại dột khiến em bị bỏng hai chân, may không gây hậu quả nghiêm trọng cho ngôi trường. Đây là một trong 3 câu chuyện đáng buồn nhưng điển hình cho tình trạng học sinh bị bắt nạt qua mạng xã hội.

Nhận thấy tình trạng bắt nạt trực tuyến hay còn gọi là bắt nạt qua mạng xã hội đang là một vấn đề khá nhức nhối trong giới trẻ, từ năm 2015 đến nay, các chuyên gia đến từ trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến, khảo sát trên 5.000 học sinh, giáo viên, chuyên gia.

Kết quả cho thấy 24% học sinh THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trên mạng. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 864 học sinh THCS và THPT năm 2018 trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, có 30,6% học sinh bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên.

Từ vui đùa đến hậu quả lớn

TS Trần Văn Công, Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Giáo dục, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội Facebook, tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Viber; các trang chia sẻ hình ảnh, video clip qua Youtube, Instagram. Các hành vi bị bắt nạt trực tuyến là gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn…

Những nguyên nhân học sinh đi bắt nạt trực tuyến được xác định như bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn, làm như vậy để trả thù lại những người bạn đã từng làm thế với mình. Ngoài ra, môt nguyên nhân học sinh bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất là chỉ trêu đùa cho vui.

Cũng theo TS Trần Văn Công và nhóm nghiên cứu, cứ 10 học sinh thì có khoảng 3 - 4 em tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Học sinh nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. Việc các em thường xuyên bị bắt nạt trên mạng đối diện với nhiều nguy cơ.

Với mối quan hệ xã hội, các em sẽ sợ hãi, ngại gặp các bạn, thầy cô. Có trường hợp bị ghép ảnh nhạy cảm sẽ không dám gặp ai nữa, học tập bị ảnh hưởng, không tập trung học hành, luôn có cảm xúc lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống các em. Thậm chí, có những trường hợp không chịu được áp lực đã tìm đến những giải pháp tiêu cực như rạch tay, tự tử.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: Hiện nay, hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều lập một nhóm riêng trên mạng xã hội. 

Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin cho nhau những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm nhau. Nếu trước đây hình thức bạo hành học đường là các em tập hợp thành nhóm tẩy chay một đối tượng nào đó, thì bây giờ các em lại “khủng bố” đối tượng các em không thích bằng việc gọi điện, nhắn tin, thậm chí công khai thóa mạ trên mạng xã hội.

“Bắt nạt trực tuyến phần lớn xuất phát từ trêu đùa cho vui song hậu quả để lại là rất lớn. Chẳng hạn như có trường hợp, nạn nhân của bắt nạt trực tuyến là một nữ sinh có hình thể không được hấp dẫn. Từ những lời bình phẩm của bạn bè trêu đùa trên mạng khiến em bắt đầu có suy nghĩ về hình thể của mình. Lúc đầu em nghĩ cách ăn kiêng, sau đó bắt đầu móc họng khi ăn. Thậm chí, em còn rạch tay, tự làm mất máu để giảm cân. May mắn, mẹ em phát hiện kịp và phải đưa em đến bác sĩ tâm lý để điều trị kịp thời”- TS Trần Thành Nam cho biết.

Dù tình trạng bắt nạt trực tuyến xảy ra khá nhiều, song các chuyên gia tâm lý đều thừa nhận, các chương trình mang tính phòng ngừa nạn bắt nạt học đường hiện nay tại các trường học còn rất hạn chế.

Để ngăn chặn và khắc phục những hậu quả của bắt nạt trực tuyến nói riêng và bắt nạt học đường nói chung, TS Trần Văn Công và nhóm nghiên cứu cho rằng, gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm sát sao hơn nữa. Các bậc cha mẹ nên chú ý xem con mình có những dấu hiệu bất thường nào để can thiệp, giúp đỡ. Khi trẻ chán học, uể oải, than phiền, sợ hãi… bố mẹ cần tìm cách chia sẻ với con hoặc khuyến khích con đến gặp chuyên gia tâm lý.

Giáo viên cũng có thể trao đổi với học sinh, nói chuyện một cách tình cảm, để các con cảm thấy tin tưởng và được tin tưởng, từ đó thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Ngoài ra, bố mẹ và thầy cô cũng cần nói cho trẻ hiểu thế nào là bắt nạt trực tuyến, sự phê phán, chỉ trích ra sao thì coi là bắt nạt, những gì nên làm và không nên làm khi tham gia vào môi trường mạng xã hội để tránh những hậu quả đáng tiếc khi trẻ bị “vướng” vào các tình huống này.

Huyền Thanh
.
.
.