Giới hạn nào cho “luật chơi” riêng của trường ngoài công lập?

Thứ Ba, 10/07/2018, 08:39
“Phí ghi danh”, “phí giữ chỗ” từ 2 triệu đồng đến cả chục triệu đồng và một số khoản thu khác… khi phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 10 trường ngoài công lập tại Hà Nội hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Theo đó, nhiều nơi quy định, nếu phụ huynh rút hồ sơ sẽ không được trả lại những khoản phí này và thực tế một số trường vẫn chưa trả lại dù Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu. Từ chuyện các trường tư thục tự đặt ra các “luật chơi riêng”, việc tự chủ của các trường ngoài công lập cần được giới hạn trong khuôn khổ nào thêm một lần nữa được dư luận xã hội đặt ra.

Hiện trên mạng xã hội và các diễn đàn, câu chuyện phí đặt cọc, phí giữ chỗ  và một số khoản thu khác mà các trường tư thục đã tiến hành thu khi học sinh nộp hồ sơ đang được tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. 

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên một trường THPT tại Hà Nội cho rằng, thỏa thuận giữ chỗ giữa nhà trường và phụ huynh rõ ràng là 1 thỏa thuận dân sự được công khai và có sự đồng thuận của cả 2 bên. Nói nôm na thì nó chính là khoản "đặt cọc" trong các giao dịch mua bán khác. 

Khi trường đã "nhận cọc" của phụ huynh này, nghĩa là sẽ có thể phải từ chối "cọc" của phụ huynh khác. Khoản đặt cọc đó là "chi phí cơ hội", bằng khoản phí đó, phụ huynh tước đi cơ hội của các học sinh khác và cũng tước đi cơ hội của nhà trường trong việc tuyển sinh thêm học sinh khác. Trong trường hợp này, nếu học sinh đã giữ chỗ đủ điều kiện trúng tuyển và muốn học mà trường lại từ chối không cho nhập học thì nhà trường phải "đền cọc". 

Ngược lại, nếu phụ huynh đã chủ động "phá cọc" thì phải chịu phạt là đúng. Đây cũng là quan điểm mà cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh đưa ra, đồng thời cho biết sẽ không trả lại hết tiền cho phụ huynh khi rút hồ sơ.

Dù được tự chủ nhưng các trường tư thục không thể nằm ngoài khuôn khổ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong khi đó, theo luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các trường ngoài công lập không thể vận dụng cơ chế tự chủ Nhà nước cho mà muốn làm gì thì làm, bởi giáo dục là một môi trường mang tính đặc thù. 

“Trường có thể thỏa thuận với phụ huynh về các khoản đóng góp nhưng đấy phải được hiểu con em họ đã là học sinh của nhà trường. Còn trường hợp này, nhà trường yêu cầu phải đóng tiền thì mới được nhận hồ sơ nhập học, đây là tự nguyện kiểu bị ép buộc. Nếu con em họ không học thì phải trả lại cho họ tiền đồng phục, xây dựng; tiền sách vở, có chăng trường chỉ có thể lấy khoản gọi là lệ phí tuyển sinh thôi”- luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ. 

Với trường hợp trường Tạ Quang Bửu, trường Nguyễn Siêu… đưa ra các mức phí ghi danh, phí giữ chỗ từ 2-10 triệu đồng, muốn nộp hồ sơ nhập học thì phải đóng những khoản phí này, nếu rút hồ sơ sẽ không được hoàn trả, luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định, các loại phí này là do các trường tự nghĩ ra và trái với Luật Giáo dục. 

Nếu căn cứ theo Luật Doanh nghiệp hay Bộ luật Dân sự mà các trường đang viện dẫn để tự đặt “luật chơi” riêng của mình thì khoản tiền mà phụ huynh phải đóng khi nộp hồ sơ phải gọi là “tiền đặt cọc”, phải có hợp đồng đặt cọc; còn việc tự đặt ra và gọi khoản tiền đó là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” là không đúng. Khi đã không đúng thì phải trả lại phụ huynh.

Trao đổi với PV báo chí ngày 9-7, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GĐ&ĐT Hà Nội cũng khẳng định: Khi Sở đã có văn bản yêu cầu trường Tạ Quang Bửu nghiêm túc thực hiện việc trả lại phí ghi danh, đặt chỗ cho cha mẹ học sinh và trường Tạ Quang Bửu đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này. 

Đối với trường THPT Lương Thế Vinh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trường Lương Thế Vinh đưa ra thông báo tuyển sinh sớm, đến thời điểm Sở công bố kết quả điểm chuẩn vào trường công lập thì trường đã tuyển sinh xong. Khi cha mẹ học sinh có nhu cầu rút hồ sơ thì nhà trường thông báo tại cổng trường là sẽ trả hồ sơ sau 2-7, tức là sau đợt 1 nộp hồ sơ vào trường công lập. 

Sau khi nắm bắt được thông tin, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cử đoàn công tác tới và yêu cầu nhà trường thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh và trả hồ sơ cho cha mẹ học sinh có nhu cầu rút hồ sơ tại các thời điểm. 

Tuy nhiên, trường Lương Thế Vinh vẫn gây khó khăn cho phụ huynh; đặc biệt là giữ lại khoản phí mà trước đó nhà trường yêu cầu cha mẹ học sinh cam kết nếu rút hồ sơ thì mất khoản phí đã đóng. Điều này là không  đúng quy định, gây khó khăn cho cha mẹ học sinh.

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND, Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội cho biết: Bản thân ông rất chia sẻ với những khó khăn mà nhiều trường tư thục hiện nay đang gặp phải trong công tác tuyển sinh khi lượng hồ sơ ảo nộp vào trường khá nhiều và rất khó kiểm soát được lượng hồ sơ ảo này. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều trường nghĩ ra các khoản phí để “giữ chân” thí sinh khi nộp hồ sơ. 

Tuy vậy, vị Hiệu trưởng này cũng khẳng định, những lý lẽ mà trường Lương Thế Vinh đưa ra khi không hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã thu của phụ huynh là không thuyết phục. Lý do là Sở GD&ĐT quy định, các trường ngoài công lập được nhận hồ sơ của học sinh từ ngày 1-7 đến ngày 15-7. 

Trong khi đó, trường Lương Thế Vinh đã tuyển sinh sớm và nhận hồ sơ trước thời gian quy định trên, khi mà Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố điểm chuẩn vào các trường công lập. 

Việc phụ huynh phải nộp hồ sơ và chấp nhận điều khoản không được rút lại tiền đã nộp sau khi rút trong thời điểm khá nhạy cảm là chưa biết điểm chuẩn cho thấy nhà trường đã đặt qua mức quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của phụ huynh và học sinh. Do vậy, thỏa thuận dân sự giữa hai bên như cách mà trường lý giải là có phần áp đặt khi mà phụ huynh bị đưa vào thế yếu. 

“Nhà trường nên trả lại một phần kinh phí đã thu từ cha mẹ học sinh. Nếu có giữ thì cũng chỉ nên giữ lại một khoản phục vụ cho công tác tuyển sinh của nhà trường. Ngoài ra, câu chuyện này cũng là một bài học cho chính các phụ huynh về việc không nên nhắm mắt ký bừa, thỏa thuận bừa và để đạt được nhiều mục tiêu, cũng cần phải học cách biết chấp nhận rủi ro”, vị Hiệu trưởng này cho biết. 

Cũng theo vị Hiệu trưởng này, đối với phí ghi danh và giữ chỗ, trong quy định của Bộ GD&ĐT nói chung, Sở GD&ĐT nói riêng không có khoản thu này. Do vậy, khi Sở đã ra văn bản yêu cầu các trường trả lại toàn bộ các khoản phí cho phụ huynh học sinh đến rút hồ sơ thì các trường cần nghiêm chỉnh chấp hành. 

Sở cũng cần thanh tra, kiểm tra để xem các trường đã thực hiện đến đâu, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, làm ảnh hưởng chung đến môi trường giáo dục. Bởi suy cho cùng, dù được tự chủ, tự chịu trách nhiệm song các trường ngoài công lập vẫn phải nằm trong khuôn khổ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Huyền Thanh
.
.
.