Gần 19.000 giáo viên dư thừa khi triển khai chương trình mới

Thứ Ba, 23/01/2018, 09:44
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố, năm 2019-2020 sẽ bắt đầu áp dụng cho cấp học đầu tiên là tiểu học, cụ thể là lớp 1 và cuốn chiếu dần ở các lớp tiếp theo cho cả ba cấp học.

Tuy nhiên, cùng với nỗi lo do thiếu trầm trọng số lượng giáo viên cấp tiểu học, thừa giáo viên ở cấp THCS và THPT thì chất lượng đội ngũ cũng đang là băn khoăn lớn của nhiều người khi triển khai chương trình môn học mới.

Theo kết quả rà soát bước đầu của Bộ GD&ĐT, khi thực hiện chương trình GDPT mới, có nhiều môn học mới ở bậc tiểu học sẽ thiếu rất nhiều giáo viên. 

Cụ thể, theo lộ trình triển khai chương trình mới từ năm 2021 đến 2024 thì mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên Tin học. Theo tính toán, mỗi năm bình quân có 2% giáo viên tiểu học nghỉ hưu, tương đương với 7.940 giáo viên. Như vậy số được tuyển mới bổ sung hằng năm sẽ khoảng 3.940, cộng với mỗi năm tuyển mới 3.900 tăng quy mô, trung bình mỗi năm sẽ phải tuyển mới khoảng 7.000 giáo viên. 

Ở bậc THCS, bình quân một năm có 2% giáo viên nghỉ hưu, tương đương với 6.219 giáo viên. Giáo viên tuyển bổ sung thay thế nghỉ hưu là 3.110, cộng với số tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 1.250. Nhưng hiện nay giáo viên THCS đang dư thừa tùy theo môn học là 9.246. 

Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng cho các giáo viên dạy môn tích hợp. Ảnh minh họa

Tương tự ở cấp THPT, theo tính toán số giáo viên tuyển mới thay thế nghỉ hưu hằng năm khoảng 1.507, cộng với số tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250 nhưng theo rà soát hiện bậc học này hiện còn thừa khoảng 8.874 giáo viên.

Không chỉ đau đầu với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, việc chất lượng đội ngũ giáo viên có đáp ứng với chương trình mới hay không cũng đang là nỗi lo của rất nhiều cán bộ quản lý giáo dục. 

Tại Hội nghị triển khai các điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới UBND TP Hà Nội vừa tổ chức, ông Đoàn Công Thạo, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Thực tế chúng ta muốn giáo viên không phải “dạy trái tay” nhưng với việc nhiều môn học trong chương trình mới chuyển sang hướng dạy học tích hợp trong khi đại bộ phận giáo viên hiện nay đều chưa được đào tạo thì quả thật không dễ. Như bản thân tôi là giáo viên dạy Vật lý nhưng không đơn giản là có thể vào dạy được cả kiến thức Hóa học và Sinh học khi tích hợp liên môn”. 

Cùng chung băn khoăn này, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: Để chuẩn bị cho việc dạy tích hợp liên môn, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với một số trường trên địa bàn tổ chức những tiết dạy mẫu, tìm ra những thầy cô dạy tiết mẫu, nhưng quả thật vẫn rất lúng túng. Khái niệm thế nào là tích hợp liên môn, vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Do đó, ông Vũ  kiến nghị các cấp cần đẩy nhanh quá trình đào tạo đội ngũ giáo viên, đặc biệt là các môn tích hợp để đáp ứng được chương trình một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Trước băn khoăn của dư luận về bài toán thừa, thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Khi thực hiện chương trình môn học mới, nhu cầu về giáo viên ở các cấp về cơ bản không có sự biến động nhiều so với hiện có. Tuy nhiên, ở một số môn học, cấp học cần có sự thay đổi, kế hoạch cụ thể, tránh nơi dư, nơi thiếu. 

Cũng theo ông Minh, các địa phương nên ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh, Tin học vì hai môn này còn thiếu khá lớn. Đối với các địa phương đang thừa giáo viên, trong khoảng ba năm học tới, có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa này. 

Đồng thời, các địa phương cũng cần rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên hợp lý giữa các trường trên cùng địa bàn để bảo đảm hợp lý về số lượng giáo viên và cơ cấu môn học cho từng trường THCS, THPT theo số lượng hiện có và nhu cầu đến năm 2025, trong đó để ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn Nghệ thuật là 5.400 người để bắt đầu dạy từ năm 2021.

Về kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh cho biết: Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch chi tiết để bồi dưỡng giáo viên theo nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán sẽ thực hiện theo hình thức tập trung trong 8 ngày. Mỗi tỉnh, thành phố chọn ra 2 giáo viên mỗi môn để tham gia khoá học. Sau đó, đội ngũ này sẽ cùng thực hiện việc bồi dưỡng đại trà cho phần lớn giáo viên còn lại. 

Từ năm 2019, việc bồi dưỡng giáo viên đại trà sẽ được triển khai cho lớp 1, năm 2020 là lớp 2 và 6; lần lượt như thế đến năm 2023 là hai lớp cuối 5, 12. Hình thức đào tạo chủ yếu là qua mạng Internet, thông qua các bài giảng online của thầy cô viết chương trình. 

Đối với giáo viên dạy môn tích hợp, từ năm 2018, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng để có thể dạy phủ sang môn khác chuyên môn đào tạo ở đại học. Mỗi thầy cô sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) cho môn không phải chuyên môn. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ bồi dưỡng vòng đại trà lớp đầu tiên. Các lớp bồi dưỡng khác sau đó, sẽ do các địa phương hỗ trợ.

Huyền Thanh
.
.
.