Đề xuất chính thức hóa tỷ lệ học trực tuyến trong nhà trường

Chủ Nhật, 01/11/2020, 16:23
Giai đoạn COVID-19 vừa qua, gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 67,15%. Điều đó tạo niềm tin rằng, nếu quyết tâm, Việt Nam có thể làm những điều đặc biệt.


Tại Hội nghị trực tuyến ngành giáo dục năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Giai đoạn COVID-19 vừa qua, gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 67,15%. Điều đó tạo niềm tin rằng, nếu quyết tâm, Việt Nam có thể làm những điều đặc biệt.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 mà Thủ tướng phê duyệt, coi chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục là ưu tiên số một và ngành giáo dục phải đi đầu về chuyển đổi số. 

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong dạy và học

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số ngành giáo dục chủ yếu là thay đổi mô hình, thay đổi cách tiếp cận. Nếu như trước đây học chữ là chính, nay sinh viên cần làm nhiều hơn, thông qua làm để học. Bởi vậy, cơ sở đại học cần nhiều phòng lab hơn. Học trực tuyến cũng sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh, cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số giáo dục giữa thành phố và vùng sâu vùng xa. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất ở một số cấp học, nhất là học đại học, có thể cho phép sinh viên học ở bất đâu, bất kỳ khi nào. Nếu thi đạt ở một tổ chức uy tín do Bộ GD&ĐT quyết định thì coi như hoàn thành môn học đó. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc thay đổi một số quy định, để chính thức hoá tỷ lệ học trực tuyến, ngay cả khi không còn dịch COVID-19. 

Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh và các doanh nghiệp đã sẵn sàng giải quyết các bài toán mà ngành giáo dục đặt ra. Các công ty công nghệ sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai, thời gian đào tạo ngắn hơn, gắn liền thực tế hơn, nội dung bám sát vào những kiến thức, kỹ năng cần thiết, học từ thực tiễn và học tập suốt đời. 

“Trong thế giới ngày nay, mỗi người cần phải biết ba ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hoá truyền thống, giữ cái gốc cái nền của nhà mình. Tếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ máy lập trình để giao tiếp người với máy. Bộ GD&ĐT cân nhắc nên đưa ba cả môn này thành ba môn học bắt buộc ở cấp phổ thông. Đồng thời, cân nhắc rút ngắn thời gian học chính thức. Bởi học là việc cả đời và công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình học tập” - Bộ trưởng Bộ TT&TT đề xuất.

H.Thanh
.
.
.