Đề minh họa thi THPT quốc gia năm 2018 có độ phân hóa cao hơn

Thứ Tư, 24/01/2018, 18:45
Ngày 24-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ông bố đề minh họa thi THPT quốc gia năm 2018. Việc công bố đề tham khảo năm nay được đông đảo học sinh và giáo viên trông đợi khi mà trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ có thêm phần kiến thức của lớp 11. Điều này cũng đồng nghĩa với việc áp lực ôn tập của học sinh cũng sẽ phải tăng lên so với năm 2017.


Kiến thức lớp 11 sẽ chiếm khoảng từ 15-30%

Nhận xét về đề minh họa môn Ngữ văn, cô Phạm Thu Phương, giáo viên hệ thống giáo dục trực tuyến Tuyensinh247.com cho biết: “Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2018 môn Ngữ Văn vừa được Bộ GD&ĐT công bố là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa (SGK), có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao hơn các năm trước”.

Phân tích cụ thể hơn về cấu trúc đề thi, cô Phương cho rằng:  Cấu trúc đề thi năm nay về cơ bản cũng vẫn giống như các năm trước, điểm khác biệt là có thêm phần kiến thức của lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học.

Ở phần đọc hiểu, yêu cầu cơ bản không khác so với năm 2017. Ở phần làm văn gồm có hai câu hỏi, một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ, chiếm 20% tổng số điểm của phần làm văn. Câu hỏi còn lại của phần làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi.

Đề minh họa thi THPT quốc gia năm 2018 được đánh giá là khó hơn so với năm 2017.

Tuy nhiên, so với các đề năm trước, đề nghị luận văn học năm nay đã có thêm kiến thức lớp 11. Xét về mức độ, so với đề thi năm trước, đề nghị luận năm nay khó hơn. Học sinh muốn làm tốt đề này không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.

Với các đề thi minh họa thuộc tổ hợp thi Khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, các giáo viên bộ môn của Tuyensinh247.com cũng cho rằng: Đề thi của các môn thành phần đều được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức gồm nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao được xây dựng khá khoa học. Phần kiến thức lớp 11 chiếm khoảng từ 20-30% tùy thuộc vào từng môn, tính phân hóa của đề thi cao hơn so với năm 2017.

Đơn cử như môn Lịch sử, đề minh họa năm 2018 là một đề hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, nhằm phân loại chất lượng học sinh. Kiến thức lớp 11 tương đối cơ bản, nếu đã nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ giải quyết dễ dàng. Đặc biệt, đề thi minh họa lần 1 này đã giúp các em bớt hoang mang và đề ra chiến thuật ôn thi khoa học, hợp lí nhất.

Xuất hiện nhiều dạng bài mở, độ phân hóa cao hơn

Nhận xét về đề minh họa môn Toán, thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên Toán hệ thống giáo dục Tuyen sinh247.com cho rằng: Đề thi minh học năm nay bao gồm kiến thức sâu và rộng hơn kiến thức nắm trước vì đề thi có thêm phần kiến thức lớp 11.

Không chỉ có bài tập vận dụng, đề thi còn có rất nhiều câu hỏi lý thuyết và cả ứng dụng thực tế, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức và hiểu biết rộng. Đặc biệt là đề thi có những dạng bài mới, chưa từng xuất hiện trong đề thi của những năm trước.

“Phần kiến thức của lớp 11 trong đề tham khảo là nội dung về Chương Tổ hợp xác suất Nhị Thức Newton. Dễ hiểu vì đây là những bài toán mang tính thực tế, ứng dụng đời sống nên ra theo đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT. Có một nội dung khá quan trọng trong chương trình 11 là lượng giác tuy không xuất hiện trong đề tham khảo nhưng cá nhân tôi nghĩ các em học sinh và thầy cô vẫn cần lưu ý nội dung này. Ngoài ra, đúng như Bộ GD&ĐT đã chia sẻ trước đó là đề thi đã có sự phân hóa tốt hơn hơn. Do vậy, để có thể làm tốt đề thi năm nay, học sinh cần phải có kiến thức sâu rộng. Học sinh muốn dành điểm cao thì phải dành thời gian đầu tư cho những câu vận dụng, vận dụng cao” - thầy Chí lưu ý.

Về đề thi của tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm các môn thành phần như Vật lý, Hóa học và Sinh học, các giáo viên tổ chuyên môn của Tuyensinh247.com cũng cho rằng, phần kiến thức lớp 11 cũng chỉ chiếm khoảng từ 15-30%, còn lại chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12;  đề thi có tính phân hóa cao hơn so với năm 2017.

Để việc ôn thi các bài thi thành phần trong tổ hợp KHTN đạt kết quả tốt, thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên Tuyensinh247.com  lưu ý học sinh cần học chắc và bám sát kiến thức trong SGK lớp 12.

Bên cạnh đó, cần làm thành thạo tất cả các dạng bài tập từ dễ đến khó có liên quan đến kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và các chuyên đề trọng tâm của lớp 11.

Ngoài ra, để đạt điểm tối đa, học sinh cần lưu ý đến một số dạng câu hỏi khó hoặc câu hỏi gây tranh cãi như: Dạng bài đếm phát biểu đúng sai; dạng bài về giá trị gần đúng nhất; dạng bài về thí nghiệm thực hành và cuối cùng là dạng bài liên quan đến thực tế cuộc sống.

Tăng cường mở rộng từ vựng và kiến thức nâng cao

Nhận xét về đề minh họa môn Tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Ngoại ngữ trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng: Đề thi minh họa môn tiếng Anh mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài, cấu trúc và số lượng từng phần thi đều tương đối ổn định như năm 2017. Sự thay đổi nằm trong phần từ vựng trong đề khi đề thi năm nay xuất hiện nhiều từ vựng mới lạ.

Bên cạnh đó, kiến thức trong đề thi cũng trải đều do đặc thù môn Tiếng Anh kiến thức không phân hóa cụ thể từng lớp mà có sự liên kết chặt chẽ giữa các lớp 10, 11 và 12.

Nhìn một cách tổng thể, đề năm nay khó hơn năm ngoái và nội dung câu hỏi rất thực tiễn với người học, rất phù hợp để làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Để làm tốt được đề minh họa này, các em cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp cũng như từ vựng đầy đủ của cả 3 lớp và nên ôn luyện thêm những cấu trúc nâng cao, mở rộng thêm vốn từ vựng.

Huyền Thanh
.
.
.