Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có gì mới?

Thứ Tư, 05/08/2015, 20:21
Chiều 5/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hay còn gọi là chương trình giáo dục mới (CTGD) và lấy ý kiến góp ý rộng rãi trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức để làm căn cứ xây dựng các chương trình môn học hay còn gọi là chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) mới.

Trên cơ sở kế thừa chương trình giáo dục cũ cũng như vận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, Bộ GD&ĐT đã xây dựng CTGD mới cụ thể như sau: Giáo dục phổ thông vẫn là 12 năm, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm, cấp THCS 4 năm) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng đảm bảo cân đối nội dung và các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; thống nhất giữa các lớp học trước với các lớp học sau; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên.

Chương trình giáo dục mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.

Ở cấp tiểu học: xây dựng một số môn học tích hợp mới trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn khoa học, lịch sử và địa lí ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành).

Ở cấp THCS: xây dựng hai môn học tích hợp mới là khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lí trong chương trình hiện hành). 

Ở cấp THPT: xây dựng 3 môn học tích hợp mới là: công dân với Tổ quốc (được hình thành chủ yếu từ các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng - an ninh và một số nội dung lịch sử, địa lí trong chương trình hiện hành); khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất của giới tự nhiên (dành cho học sinh định hướng khoa học xã hội, không học các môn vật lí, hóa học, sinh học); khoa học xã hội là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những kiến thức khái quát nhất về xã hội (dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, không học các môn lịch sử, địa lí).

Lý giải về cơ sở để đổi mới chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT cho rằng: Mặc dù CT và SGK hiện hành có nhiều ưu điểm so với trước đó, nhưng trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục cũng như những đòi hỏi hội nhập quốc tế, CT và SGK hiện hành khó đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới. 

Bên cạnh đó, xu thế phát triển CT và SGK của thế giới thay đổi rất nhanh; có nhiều thành tựu mới của khoa học giáo dục cần được bổ sung kịp thời vào CTGD mới. Đầu thế kỉ XXI nhiều nước có nền giáo dục phát triển đã chuyển hướng từ CT coi trọng nội dung giáo dục sang CT coi trọng phát triển năng lực người học. 

Do vậy, CT và SGK của Việt Nam cũng cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khắc phục dần những hạn chế của chương trình cũ như  mới chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa coi trọng hướng nghiệp.

Cũng theo nhận định của Bộ GD&ĐT, kể cả CT hiện hành, về cơ bản vẫn là CT tiếp cận nội dung. CT mới chuyển sang cách tiếp cận năng lực, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đó là là cách tiếp cận nêu rõ học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường. 

Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi HS nắm vững những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhưng còn chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống; tính chất và kết quả hoạt động cũng phụ thuộc rất nhiều vào hứng thú, niềm tin, đạo đức… của người học nên CT cũng rất chú trọng đến mục tiêu phát triển các phẩm chất của học sinh; phát triển các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung mà mọi học sinh đều cần có, đồng thời phát triển các phẩm chất và năng lực riêng của từng em; tập trung vào việc dạy và học như thế nào? 

Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận này sẽ chi phối và bắt buộc tất cả các khâu của quá trình dạy học thay đổi: Nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử; cách thức quản lý và thực hiện… nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.

T.Phương-H.Thanh
.
.
.