Cô giáo khuyết tật 13 năm dạy lớp học tình thương
“Cũng là cái duyên”…
Khi được hỏi về lý do gắn bó với nghề dạy học cho trẻ khiếm thính, thiểu năng, cô Giang cười bảo “thật sự âu nó cũng là cái duyên!”. Sinh ra với số phận không may mắn, từ khi 9 tháng tuổi, cô giáo Nguyễn Thanh Giang đã gặp phải một trận sốt bại liệt, nằm liệt giường gần 4 năm, không đi cũng không nói được.
Sau suốt những năm tháng được bố mẹ đưa đi chữa trị ở khắp các bệnh viện từ Bắc vào Nam, đến năm 4 tuổi mới bắt đầu tập đi lại được.
Lớp 1B do cô Giang giảng dạy tại Trường Chuyên biệt Bình Minh trong giờ học Toán. |
Đi học muộn so với tuổi, ký ức về những năm tháng tiểu học của cô là những lần phải nghỉ học kéo dài để tiến hành phẫu thuật chỉnh hình đôi chân. Thế nhưng cứ 1-2 tháng sau phẫu thuật, cô lại phải mang nẹp gỗ đi học, chịu đựng những cơn đau.
Đến những năm cấp 2, cấp 3, cô Giang cứ đi được một đoạn lại ngã khuỵu chân xuống, do đôi chân yếu, không có khả năng trụ vững như người bình thường. Dù vậy, cô vẫn luôn chăm chỉ đến trường, cứ ngã lại tự đứng lên đi tiếp. Chỉ trừ những ngày đi điều trị, hay những ngày trái gió trở trời chân đau không đứng dậy được, cô mới xin nghỉ, tự học ở nhà.
Nghề giáo đến với cô Giang như một cái duyên. Sau 2 năm tự ôn luyện, cô đã thi đỗ vào hai trường: Trường Trung cấp văn thư lưu trữ và Khoa văn của Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Cô chọn Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như một lẽ tất nhiên của một cô gái yêu văn, yêu trẻ. Đến năm 2005 cô tốt nghiệp, đây cũng là thời điểm nghiệp dạy học cho trẻ không may mắn của cô bắt đầu.
Lớp học đầu tiên mà cô đứng lớp không phải là những em bé cấp 1 tinh nghịch, hồn nhiên, hiếu động như lẽ thường. Khi ấy, xã Cổ Loa có 1 lớp học tình thương, gọi là lớp học nhưng thực chất là 1 lớp tập trung các trẻ khuyết tật, thiểu năng để trông nom giúp các gia đình.
Lớp này ban đầu chỉ là một phòng nhỏ nằm trong khuôn viên Khu di tích Thành Cổ Loa. Năm 2005, với sự định hướng và phối hợp của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh cùng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Cổ Loa, UBND xã Cổ Loa chuyển các em tới 1 phòng học khang trang tại Trường Tiểu học Cổ Loa, xã Cổ Loa để học kiến thức.
Vừa ra trường, lại được Phòng GD&ĐT cùng chính quyền xã tạo điều kiện, cô Giang trở thành giáo viên đầu tiên quản lý và thực hiện chương trình dạy chữ cho các em học sinh này.
Lớp có hơn 10 học sinh, em lớn nhất là 16 tuổi, nhỏ nhất là khoảng 9 đến 10 tuổi. “Một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Văn - Công dân lại đi dạy học sinh tiểu học. Không chỉ là học sinh tiểu học thông thường mà còn là trẻ khuyết tật, trẻ thiểu năng, chưa từng biết đến một mặt chữ, nghĩ lại ban đầu cũng khá gian nan, nhưng có lẽ vì mình cũng là người khuyết tật nên sự đồng cảm với các em nhiều hơn, tiếp xúc và dạy dỗ cũng dễ dàng hơn”- cô Giang chia sẻ.
Gia đình thứ hai
Nghe cô kể về những năm tháng đầu tiên tiếp xúc với việc dạy các trẻ thiểu năng và khuyết tật, chúng tôi hỏi cô điều gì khiến cô thấy khó khăn nhất, cô chỉ cười, bảo: khi mình coi đó là gia đình thì sẽ không bao giờ là gánh nặng!
Suốt 7 năm gắn bó với lớp học của trẻ khuyết tật, thiểu năng tại Trường Tiểu học Cổ Loa, điều mà cô gọi là “sự khác biệt” chứ không phải khó khăn là các em ở nhiều độ tuổi, có trình độ nhận thức khác nhau trong cùng 1 lớp nên phải cùng lúc dạy kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5.
Cần quan sát kỹ để có phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Đến năm 2012, cô Giang chuyển công tác tại Trường Chuyên biệt Bình Minh - trường dành riêng cho các trẻ khiếm thính và thiểu năng, cũng nằm trong địa bàn huyện Đông Anh (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh).
Trường Chuyên biệt Bình Minh phân chia học sinh theo trình độ nhận thức, từ lớp 1 đến lớp 5, chứ không gộp chung. Tại đây, cô Giang được giao nhiệm vụ dạy các lớp trình độ 1A và 1B. Theo đó, trình độ 1A là chương trình sách giáo khoa lớp 1 quyển 1, còn trình độ 1B là chương trình học của sách giáo khoa lớp 1 quyển 2. Chương trình học là 2 năm một lớp.
Với trình độ lớp 1, buổi sáng các em học sinh sẽ được học Tiếng Việt, buổi chiều học Toán và các môn khác. Mỗi lớp có 2 giáo viên đứng lớp, thay phiên sáng, chiều và quản lý học sinh theo hình thức học bán trú. Ngoài kiến thức chung, các học sinh còn được học kỹ năng sống, tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội khỏe thường xuyên, học nghề để nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng.
Lớp 1B hiện tại mà cô Giang giảng dạy có tổng số 11 học sinh, trong đó có 6 học sinh khiếm thính và 5 học sinh thiểu năng. Đặc biệt, trong số 5 học sinh thiểu năng có 1 em mắc phải hội chứng down. “Cứ dạy biết mặt chữ hôm trước là hôm sau con lại quên ngay, con chỉ tô được chữ theo mẫu. Con năm nay 8 tuổi, vì con đã học gần 3 năm cấp 1 tại trường thường rồi nên trường mới xếp con vào trình độ 1B, chứ để mà theo các bạn khác trong lớp thì con không theo kịp” - cô Giang kể.
Năm 2018 là năm đầu tiên cô Giang được dạy các trẻ khiếm thính. Do trường thiếu nhân lực, trẻ khiếm thính được xếp chung lớp với trẻ thiểu năng, tự kỷ nên lúc đầu cô mất khá nhiều thời gian để tự học ngôn ngữ người khiếm thính bằng sách và qua mạng Internet.
Trên lớp, cô phải vừa dùng ngôn ngữ nói, vừa dạy các con bằng ký tự nổi và các ký hiệu. “Giao tiếp với các con nhiều, mình cũng chủ động học được rất nhiều từ chính các con. Lại càng khiến cho tình cảm cô trò gắn bó hơn”.
Sau 13 năm giảng dạy cho các em, cô không hề cảm thấy áp lực hay mệt mỏi. Với cô, mỗi ngày đến lớp đều là một ngày vui. Cô thấy lớp học nào của mình cũng rất thú vị, các học sinh đều rất ngoan, chăm học, rất yêu quý cô, mặc dù nhận thức và tiếp thu còn kém và không giỏi thể hiện tình cảm. “Đi dạy tư tưởng mình lúc nào cũng rất thoải mái, đến với các con cũng giống như mình đang ở nhà vậy”.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, cô Giang chia sẻ rằng chỉ mong các em học sinh khôn lớn, thành người có ích cho xã hội. Cũng hy vọng có được sức khỏe tốt để có thể hằng ngày, hằng giờ lên lớp dạy các em; góp phần vẽ nên bức tranh sáng cho các em học sinh khiếm thính, thiểu năng.