Chuyện những cô giáo gieo chữ vùng cao

Thứ Sáu, 27/11/2020, 08:59
Đón nhận bó hoa rừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng và các thầy, cô giáo nhà trường nở nụ cười tươi hạnh phúc.

Bó hoa đầy tình cảm mà các học trò dành tặng thật trân quý, nhưng điều làm cô Thúy và các thầy, cô trong nhà trường vui mừng hơn tất thảy, đó là sự đoàn kết, chung tay. Đã có những thời điểm rất khó khăn khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhưng bằng tình yêu thương, sự kiên trì, bám xã, bản của các thầy cô để động viên mà các gia đình đã đồng ý cho con em đến trường đầy đủ, học tập tốt…

Chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ vào một ngày nắng ít ỏi tháng 11. Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về ngôi trường vùng cao với nhiều các em học sinh dân tộc khác nhau. Trường hiện có 805 em học sinh, một điểm trung tâm và 4 điểm trường lẻ. Điểm trường xa nhất cách trung hơn 12km.

Tại điểm trường chính, hiện có 341 em học sinh ở các điểm bản về đây học bán trú. Chiều chủ nhật, các em sẽ đi bộ 3, 4 tiếng đồng hồ từ nhà tới trường và sau buổi sáng thứ 6 hằng tuần, các em sẽ lại leo bộ, vượt núi rừng trở về với gia đình. Tuần nào cũng vậy.

Cô giáo vùng cao kiên trì tới từng nhà vận động các em học sinh đến lớp học.

Hôm chúng tôi có mặt ở đây trao quà, gặng hỏi thế nào gặp hai bạn học sinh lớp 2 nhà gần như xa nhất là Thào Thị Phương và Sùng Thị Chu. Khi nghe Phương và Chu kể về quãng đường dài 15 và 17km từ nhà tới trường, các em phải di chuyển từ khi mặt trời đứng đỉnh đầu, trong cái nắng chang chang mới kịp, bởi quãng đường mòn toàn đá, lại toàn phải lội suối, băng rừng khiến ai cũng chạnh lòng…

Theo cô Thúy, ở huyện vùng sâu, vùng xa Mường Nhé của tỉnh Điện Biên, mỗi giáo viên nói riêng và cả huyện nói chung, ngoài công tác chuyên môn, các thầy, cô còn phải làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp.

Như ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ, tuy là trường trung tâm, gần huyện nhưng tỉ lệ hộ nghèo cao. Từ việc dân trí, nhận thức chưa cao khiến việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn. Mọi năm, thời điểm trước khi khai giảng năm học mới, các thầy, cô đều phải di chuyển tới các hộ gia đình ở các xã, bản cả tuần đề vận động.

Năm nay, các thầy cô “có thêm” thời gian để cuốc bộ lội suối băng rừng, ở lại xã, bản lâu hơn, bởi khi đại dịch COVID-19 “gõ cửa”, các em ở nhà lâu không muốn đến trường, cộng với hoàn cảnh khó khăn, mải nương rẫy nên gần như bố mẹ không quan tâm tới việc học của con em mình.

“Dưới cái nắng của mùa hè oi bức người ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn còn hơn gặp hôm mưa, bởi đường trơn trượt đi bộ từ đầu bản tới cuối bản thực sự là một thử thách không nhỏ. Tới nhà các em thì thương lắm, toàn nhà bức vách bằng tre, mái lợp bằng bạt, trong nhà thì đơn sơ, tuềnh toàng, các em nhỏ không đủ quần áo để mặc, bữa ăn chỉ vỏn vẹn một xoong cơm, bát cánh, đĩa rau. Đôi khi, có những nhà, bọn mình phải đi đến ba, bốn lần vận động, gia đình mới cho con đến trường…” – cô giáo Cao Thị Nguyệt chia sẻ về những kỷ niệm khi tới vận động các em đến trường.

Có lẽ quãng đường trèo qua những quả đồi, lội qua những con suối khá dài, hơn 10km mới có thể tới được nhà các em học sinh nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với một tương lai rất dài đang chờ các em phía trước. Vì lẽ đó, nên để đảm bảo sĩ số 98-100%, bất chấp khó khăn về khoảng cách và địa lý, các thầy, cô giáo luôn rất kiên trì.

“Từ ngày 27/4 trở lại học, sau mỗi buổi sáng lên lớp, các thầy, cô giáo lại nhanh chóng đến các xã, bản để vận động học sinh đến trường. Bằng tình yêu thương, sự kiên trì, cùng sự giúp đỡ từ các già làng, trưởng bản, các lớp học đông dần. Mỗi lớp học không ghế trống, lúc đó, chỉ đứng ngắm các em học sinh miệt mài với con chữ qua cửa sổ thôi cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi…” – cô giáo Đồng Thị Thúy chia sẻ trong ánh mắt long lanh.

Năm 1999, khi tuổi mới hơn đôi mươi, lúc đó vừa đặt chân lên địa bàn công tác, mọi thứ cô Thúy nhìn thấy về cơ sở vật chỉ vỏn vẹn những mái nhà tranh, vách đất, khó khăn vô cùng. Hơn 20 năm nhìn lại, giọt nước mắt cô lại ứa ra vì những em nhỏ sinh ra vốn chỉ biết ngô, khoai sắn thì nay đã biết đọc, biết viết… Dần người dân nghèo nơi đây đã hiểu, chỉ có học mới đem lại một tương lai tốt đẹp.

Theo cô Thúy, giờ tuy cơ sở vật chất mỗi năm đều nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, ngành nhưng các phòng chức năng còn thiếu nhiều, chưa đủ điều kiện đáp ứng tốt nhất, vẫn còn lớp học nhà bằng mái tôn. Vào những ngày hè, thời tiết nắng nóng, cộng với thi thoảng ở đây hay lốc và gió cuốn, nơi ngủ nghỉ, nhà bán trú của các em luôn khiến thầy, cô lo lắng…

Cơn mưa rừng vùng cao Mường Nhé cuối chiều bỗng rơi nặng hạt như trút, nỗi lo lắng lại càng hiện rõ lên khuôn mặt các thầy, cô khi con đường đi bỗng chốc nhão nhoét, trơn trượt. Trong khu nhà ăn học sinh, tiếng vỗ tay, tiếng hát vẫn lanh lảnh hòa trong tiếng cười hồn nhiên của các em học sinh, dường như chúng át đi những muộn phiền mà các thầy, cô nhà trường đang trăn trở, bỗng tạo một nguồn động lực lớn lao để các thầy, cô thêm vững tin cho chặng đường đầy gian nan, thắp sáng sự học nơi vùng cao…

Xuân Trường
.
.
.